Tài chính - Thị trường

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng

VIỆT NGUYỄN 20/02/2024 07:30

Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 chỉ đạt 8,36% khi năm 2024 kế hoạch tăng trưởng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đặt ra 15%, đặt ra kỳ vọng mới về sự chuyển động tích cực của nền kinh tế.

agribank(1).jpg
Khách hàng vay vốn tại Agribank chi nhánh Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Bài toán hấp thụ vốn

Bức tranh ngành ngân hàng trong năm 2023 không mấy sáng sủa như kỳ vọng. Ngay từ những tháng đầu năm 2023, các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi quy mô lớn để kích thích hấp thụ vốn vay.

Tuy nhiên, do tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế, cầu tín dụng tại Quảng Nam giảm, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng chững lại, giải ngân vốn đạt thấp... nên dư nợ cho vay vốn trên địa bàn tỉnh giữ tốc độ tăng trung bình trong 5 tháng đầu năm, rồi liên tiếp giảm trong 4 tháng 6, 7, 8, 9 và bước sang tháng 10/2023, dư nợ tăng nhẹ trở lại (0,5%). Đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay đạt 106.852 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này thấp hơn kỳ vọng, chỉ đạt 8,36%.

Đáng nói, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đến nay là 1.000 tỷ đồng (chiếm 0,96% tổng dư nợ, tăng 41,87% so với đầu năm; nợ nhóm 5 ở mức 48,03%, nhóm 4 là 33,63%, nhóm 3 là 18,34%).

Nợ xấu chiếm tỷ lệ cao do trong năm 2023 khách hàng tiếp tục gặp khó khăn về tài chính, doanh thu giảm sút, không có khả năng trả nợ đối với những khoản vay đến hạn.

Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói, kế hoạch tăng trưởng tín dụng Quảng Nam trong năm 2024 là 15%.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, câu hỏi đặt ra là liệu năm 2024 ngành ngân hàng có đạt được mức tăng trưởng này?

Theo ông Phạm Trọng, Quảng Nam đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng GRDP năm 2024 khá cao. Nhu cầu vốn cho nền kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển rất lớn.

UBND tỉnh, các sở, ngành vừa khuyến khích vừa có cơ chế chính sách tạo lực đẩy cho doanh nghiệp phát triển mạnh kinh tế sẽ là cơ hội để nguồn vốn ngân hàng hấp thụ vào nền kinh tế.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2024, Mỹ và một số nền kinh tế lớn có thể xảy ra suy thoái nhẹ, dẫn đến tổng cầu suy giảm, tác động tiêu cực tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Cũng nhắc lại rằng, áp lực nợ xấu rất lớn với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là lực cản đối với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Để có thể tiếp cận tốt nguồn tín dụng của ngân hàng thương mại, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cho vay như có dự án tốt, kế hoạch kinh doanh cụ thể, phương án thu hồi vốn rõ ràng. Tựu trung lại là muốn vay vốn phải đảm sản xuất, kinh doanh tốt mà điều này là không dễ đối với nhiều doanh nghiệp.

Ở thời điểm cuối năm 2023, các ngành có tỷ trọng vay vốn, dư nợ lớn, tăng trưởng cao gồm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm tỷ trọng 31,84% (tăng 16,54% so với cuối năm 2022); nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,25% (tăng 11,11%); ngành xây dựng chiếm tỷ trọng 6,19% (tăng 33,57%).

Khơi thông vốn cách nào?

Tăng trưởng tín dụng tháng 1/2024 khá thấp, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương áp dụng các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích, năm 2024, các nguồn huy động vốn dài hạn từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi. Thị trường chứng khoán dự báo trầm lắng.

Tất cả yếu tố đó khiến doanh nghiệp sẽ chủ yếu trông chờ vào nguồn tín dụng từ ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, các tổ chức tín dụng phải áp dụng các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm.

Ông Phạm Trọng nói, đã cấp bách triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Giải pháp quan trọng là kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nhất là qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa của ngân hàng.

Theo bà Vũ Thị Tố Nga - Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam, nguyên tắc bất di bất dịch của ngân hàng thương mại là đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhưng phải đi đôi với an toàn tín dụng.

Ngân hàng tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Ngân hàng này đặt mục tiêu truyền thông kịp thời, đầy đủ, chính xác các sản phẩm, dịch vụ và mở rộng tối đa khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

VIỆT NGUYỄN