Quy hoạch - Đầu tư

Quảng Nam siết chặt quản lý nguồn vốn vay nước ngoài

TRỊNH DŨNG 21/02/2024 08:58

Kiểm soát kỹ khi đề xuất dự án, khả năng cân đối nguồn trả nợ vay, vốn đối ứng, hạn chế tối đa việc giải ngân chậm dẫn đến tăng các khoản phí cam kết và lãi phạt chậm trả... được cho là làn gió mới trong việc siết kỷ luật quản lý, sử dụng vốn vay lại từ vốn vay nước ngoài của Quảng Nam.

sat-lo-bo-bien-hoi-an-(1).jpg
Kè sạt lở bờ biển Hội An là một trong những dự án vay vốn nước ngoài.

Lệnh từ trung ương

Ngày 7/12/2023, Văn phòng Chính phủ đã phát đi ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan địa phương báo cáo sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2022.

Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát các khó khăn, vướng mắc trong việc cho vay lại từ nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Kiến nghị cấp thẩm quyền giải pháp tháo gỡ vướng mắc, kể cả việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan.

Các cơ quan được ủy quyền cho vay lại sẽ phải tăng cường trách nhiệm trong việc thẩm định các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn này, bảo đảm tuân thủ thời gian quy định về việc thẩm định, báo cáo tình hình tài chính của bên vay lại. Tránh trả lời không rõ ràng, trả lại hồ sơ để hoàn thiện nhiều lần gây ảnh hưởng đến bên vay lại.

Các cơ quan chủ quản sẽ phải rà soát ngay từ bước đề xuất dự án, đáp ứng các điều kiện vay lại, sử dụng vốn và khả năng trả nợ vay lại. Không để xảy ra tình trạng dự án đã được phê duyệt đầu tư, nhưng khi thẩm định vay lại không thể đáp ứng đủ điều kiện.

Cơ quan chủ quản dự án vay lại phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với nghĩa vụ trả nợ vay lại của dự án do mình đề xuất và phê duyệt đầu tư.

adb-1-.jpg
Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An” vay vốn ODA của ADB.

Ngoài ra, trách nhiệm kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn khi triển khai dự án, giải ngân phải được đặt lên hàng đầu...

Tăng cường việc quản lý, sử dụng vốn vay lại từ vốn vay nước ngoài là điều không bàn cãi. Tuy nhiên, theo Sở Tài chính, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác quản lý nợ vay ODA của địa phương.

Theo quy định tại các hiệp định vay, hợp đồng cho vay lại, trên cơ sở báo cáo đề xuất của chủ đầu tư, Sở KH&ĐT, quyết định phân bổ kinh phí của UBND tỉnh, Sở Tài chính sẽ thực hiện các thủ tục trả nợ gốc, lãi, phí cho các dự án sử dụng vốn vay lại khi đến kỳ trả nợ (trừ một số khoản lãi, phí được cơ cấu trong dự án thì chủ đầu tư sẽ trực tiếp xử lý và gửi chứng từng để Sở Tài chính theo dõi). Riêng các dự án quy định lãi suất SOFR (lãi suất tài trợ qua đêm có đảm bảo) cộng biên độ là lãi suất thả nổi, thay đổi hàng ngày.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài chính, cơ quan này không được các nhà tài trợ hay Bộ Tài chính (cơ quan cho vay lại) thông báo lãi suất khi đến ngày trả nợ, nên rất khó khăn trong việc tham mưu trả lãi định kỳ chính xác.

Theo ông Tuấn, do tính toán chưa được chính xác, đầy đủ, nên thực tế tại địa phương, đã phát sinh những khoản nợ lãi, phí phải trả còn thiếu, dẫn đến quá hạn khiến địa phương bị buộc phải tăng khoản lãi phạt chậm.

Kỷ luật ngân sách

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2022, địa phương có 13 dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài (5 dự án giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước và 8 dự án giải ngân theo cơ chế tài chính nước ngoài).

wb-8-1-(1).jpg
Dự án an toàn hồ đập trên địa bàn Quảng Nam từng vay vốn của Ngân hàng Thế giới.

Tổng kế hoạch vốn năm 2022 đã bố trí cho 13 dự án này hơn 1.375,5 tỷ đồng. Số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh cung cấp, tính đến hết ngày 31/12/2022, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 giải ngân 591,3 tỷ đồng. Năm 2023 đang đàm phán nhiều dự án triển khai trên địa bàn tỉnh.

Các dự án ODA, vay vốn ưu đãi nước ngoài luôn trong tình trạng không thể giải ngân hết. Chính quyền địa phương buộc phải hoàn trả về ngân sách trung ương, hủy dự toán vì không đủ năng lực giải ngân.

Khá nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn như WB8 (gần 300 tỷ đồng) hay dự án cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành (hơn 955 tỷ đồng), đầu tư kéo dài nhiều năm phải điều chỉnh, gia hạn hiệp định vay nhiều lần (và có thể sẽ không được tiếp tục gia hạn).

UBND tỉnh thừa nhận gặp khó khi chi phí lãi vay cao. Trình tự thủ tục khó khăn, từ đàm phán, phê duyệt dự án đến nhận được thư không phản đối kéo dài, mất nhiều thời gian.

Hầu hết các dự án ODA đều là những dự án trọng điểm nhưng chậm giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân thấp. Việc này đã dẫn đến chi phí lãi vay tăng, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn vay giảm.

Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói, năng lực hấp thụ vốn của các dự án trên thực tế yếu. Không ít dự án có tỷ lệ rút vốn vay chậm so với tiến độ, mất thêm tiền, thêm phí. Có dự án phí cam kết phải trả lớn hơn rất nhiều so với vốn vay đã rút.

ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là một trong những kênh huy động vốn tái thiết, phát triển địa phương. Tuy nhiên, tính toán hiệu quả sử dụng vốn vay (nhất là vốn vay lại) luôn là chuyện đặt trên bàn nghị sự.

wb-8-2-(1).jpg
Một trong những dự án đầu tư sửa chữa, an toàn hồ chứa nước trên địa bàn Quảng Nam vay vốn nước ngoài.

UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước phải đặt trách nhiệm lên cao nhất ngay từ khâu đề xuất dự án có sử dụng vốn vay lại từ vốn vay nước ngoài. Mỗi dự án vay lại đều được đánh giá kỹ từ khâu chuẩn bị thực hiện dự án, triển khai thực hiện dự án.

Trước khi đề xuất dự án vay lại, cần xem xét kỹ tính ưu đãi của nguồn vốn vay, thủ tục rút vốn, thanh toán, giải ngân với các nhà tài trợ, tỷ lệ vay lại hiện nay của tỉnh, khả năng cân đối vốn đối ứng, nguồn vốn trả nợ gốc, lãi, phí... của địa phương.

Quan trọng hơn, các chủ đầu tư phải đủ nhân sự năng lực thực thi dự án, hạn chế tối đa việc không hoàn thành kế hoạch vốn dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, gia hạn hiệp định vay, hợp đồng vay lại… Khắc phục tình trạng kéo dài, tốn nhiều thời gian để có thể tiếp tục giải ngân nguồn vốn vay hoặc chậm giải ngân vốn vay lại, làm tăng khoản phí cam kết.

“Các chủ đầu tư chủ động phối hợp Sở Tài chính, Sở KH&ĐT trong việc xác định, đề xuất số tiền trả nợ đối với từng dự án có sử dụng vốn vay lại theo quy định tại hiệp định vay, hợp đồng cho vay lại.

Nếu không xác định hoặc không đề xuất các khoản trả gốc, lãi, phí phải trả cho dự án khi đến kỳ trả nợ, dẫn đến việc Sở Tài chính, Sở KH&ĐT không có cơ sở để tham mưu, phân bổ kịp thời kinh phí trả nợ gốc, lãi, phí cho dự án thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đối với phần lãi phạt chậm trả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói.

TRỊNH DŨNG