Quảng Nam đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin
Nhằm đáp ứng yêu cầu công việc cũng như việc triển khai các hệ thống phần mềm chuyển đổi số, Đề án 06… trên địa bàn tỉnh, trong 3 năm (2024 - 2026), ngân sách tỉnh dự kiến sẽ bố trí gần 34 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị công nghệ thông tin cho các sở, ban, ngành và cơ quan khối đảng, hội, đoàn thể.
Hạ tầng chưa đáp ứng
Ngày 7/2/2024, UBND tỉnh có quyết định ban hành Đề án nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đề án do Sở TT-TT tham mưu xây dựng và đã được lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đánh giá, hạ tầng CNTT tại các đơn vị, địa phương hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06.
Hiện nay, tất cả cơ quan, đơn vị đã có hệ thống mạng LAN (mạng cục bộ) nhưng hầu hết đã xuống cấp; không đảm bảo về tốc độ, tính ổn định của kết nối; không có quy hoạch phân vùng mạng nên khó khăn trong việc quản lý, xử lý sự cố; chưa tuân thủ mô hình mạng theo quy định...
Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị không có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng (chống sét, tường lửa, anti virus..). Hệ thống mạng internet, mạng LAN của cấp xã chưa đảm bảo, chưa theo chuẩn quy định theo Quyết định số 531 của UBND tỉnh về việc ban hành mô hình mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Về máy tính, dù đảm bảo 1 máy/công chức viên chức, tuy nhiên, do mua sắm đã lâu nên đa số các máy tính có cấu hình thấp (chiếm tỷ lệ khoảng 60 - 70% toàn bộ các máy tính của tỉnh).
Trong khi đó, các máy tính mua sắm bổ sung hằng năm đều mua sắm nhỏ lẻ, số lượng ít, không đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị. Các máy tính có cấu hình thấp đã ảnh hưởng đến xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là máy tính giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp, công an…
Đầu tư phục vụ chuyển đổi số
Theo Sở TT-TT, trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều phần mềm ứng dụng được triển khai theo hướng dùng chung, phải xử lý dữ liệu lớn. Hạ tầng kỹ thuật không đầu tư kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, lộ trình phát triển CNTT, chuyển đổi số của tỉnh.
Trước yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, nhu cầu về nâng cấp hạ tầng CNTT, đầu tư bổ sung trang thiết bị CNTT của các cơ quan, đơn vị là rất cấp thiết.
Theo đề án được phê duyệt, có 21 sở, ban, ngành và 11 cơ quan khối đảng, hội, đoàn thể của tỉnh được đầu tư thiết bị, nâng cấp mạng nội bộ, bổ sung các thiết bị CNTT thiết yếu (máy tính, máy in, scan)… với tổng kinh phí dự kiến gần 34 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2024 đầu tư khoảng 13,3 tỷ đồng, năm 2025 hơn 11,5 tỷ đồng, năm 2026 hơn 9 tỷ đồng. Sở NN&PTNT là đơn vị được đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT với kinh phí lớn nhất dự kiến hơn 7 tỷ đồng, Văn phòng UBND tỉnh hơn 6,2 tỷ đồng.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai nâng cấp hạ tầng CNTT thiết yếu của các sở, ngành đảm bảo thống nhất, đồng bộ, kết nối thông suốt với hệ thống mạng WAN của tỉnh, phục vụ truy cập dữ liệu tập trung tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh và kết nối internet; chuẩn hóa, trang bị bổ sung trang thiết bị CNTT nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các hệ thống phần mềm chuyển đổi số, Đề án 06, đảm bảo an toàn, bảo mật…
83% nhà văn hóa thôn có wifi
Theo báo cáo, đến hết tháng 31/7/2023, toàn tỉnh phát triển được 2.100 trạm BTS, đường truyền cáp quang đã kéo đến 100% xã, 96,5% thôn; sóng thông tin di động 3G, 4G đã phủ sóng 100% xã, 97,5% thôn; có 83% nhà văn hóa thôn có wifi.
Đến nay đã triển khai kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% các xã trên địa bàn tỉnh; hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh hiện có 8/20 điểm cầu sở, ban, ngành; 18/18 điểm cầu cấp huyện; 238/241 xã, phường, thị trấn…