Nông Sơn: Chăm sóc cây trồng vụ đông xuân
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân huyện Nông Sơn ra đồng tập trung làm cỏ, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây trồng vụ đông xuân 2023 - 2024.
Vụ đông xuân này, gia đình ông Mai Văn Em (thôn Khánh Bình, xã Ninh Phước) gieo trồng đậu phụng trên 3 sào đất ven sông của gia đình. Hiện thời tiết nắng ráo, ông ra đồng cuốc cỏ, tập trung chăm sóc cho cây màu.
“Thời tiết năm nay thuận lợi nên tôi có thời gian áp dụng các biện pháp diệt cỏ mầm, bón phân lót, cày xới, vệ sinh đồng ruộng. Hiện nay diện tích cây đậu phụng của gia đình sinh trưởng và phát triển khá tốt, không xảy ra tình trạng cây chết ẻo như mọi năm, vụ này hứa hẹn mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do tiết trời nắng ấm nên dễ phát sinh sâu bệnh. Tôi luôn theo dõi để phát hiện kịp thời sâu hại” – ông Mai Văn Em nói.
Cạnh đó, gia đình bà Huỳnh Thị Quý (thôn Đông An, xã Ninh Phước) trồng gần 2ha sắn xen bắp. Bà Quý cho biết trước đây diện tích này bà trồng gần 40 cây bưởi trụ và trồng xen đậu phụng, nhưng do mưa bão cộng với thời tiết không thuận lợi nên cây bưởi ngã đổ, cây đậu phụng cho năng suất không cao.
“Những năm gần đây, nông dân trồng đậu phụng gặp nhiều khó khăn, cây đậu thường xuất hiện bệnh chết ẻo, năng suất không cao nên vụ này gia đình chuyển sang trồng sắn xen bắp. Hiện nay, gia đình tập trung làm cỏ, bón phân và vun gốc cho cây trồng, hy vọng cây sắn và bắp cho năng suất cao” - bà Quý cho biết.
Vụ đông xuân 2023 - 2024 toàn huyện Nông Sơn gieo trồng 1.100ha lúa, 200ha bắp, hơn 500ha rau màu các loại, tập trung ở các xã Quế Lâm, Ninh Phước và Phước Ninh. Những ngày qua, nông dân tập trung chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo ông Lê Quốc Sỹ - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn, trong những ngày qua, thời tiết nắng ấm, nguy cơ xuất hiện các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng như sâu xám, sâu xanh, sâu keo mùa thu, sâu khoang; nấm mốc đen, nấm mốc trắng; bệnh lở cổ rễ, bệnh héo rũ vi khuẩn ở mức độ nhẹ. Do đó, người dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
“Ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các địa phương cử cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng, thực hiện tưới nước tiết kiệm. Tùy từng loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng, chú ý tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển.
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng ở giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán để phát hiện và phòng trừ dịch hại kịp thời; vận động, tổ chức cho người dân ra quân đồng loạt để diệt chuột.
Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện các quy trình kỹ thuật phòng trừ dịch hại cây trồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”. Bón phân, bón thúc kịp thời, kết hợp với việc làm cỏ, lên luống, xới xáo phá để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt” - ông Sỹ nói.