Bắc Trà My phát huy nội lực, tạo đà phát triển
Năm 2024 là năm bản lề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân huyện Bắc Trà My thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My khẳng định, địa phương chú trọng phát huy nội lực, tận dụng tối đa các nguồn lực, tạo đà phát triển bền vững.
* Thưa bà, năm 2024 là năm bản lề quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Trà My nhiệm kỳ 2020 - 2025, vậy những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện tập trung trong năm này là gì?
* Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh: Có nhiều nhiệm vụ cần thực hiện nhằm tạo sức mạnh tổng thể, phát huy nội lực, tạo đà cho sự phát triển.
Trong phát triển kinh tế, Bắc Trà My sẽ tăng cường hoạt động sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng cung ứng thị trường, chú trọng sản phẩm trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với cây quế Trà My.
Việc đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, công tác quản lý và sản xuất giống, quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực sẽ tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn.
Huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2019 - 2025, trong đó phấn đấu xây dựng, công nhận làng văn hóa Cao Sơn và làng Mường là 2 điểm du lịch.
Các địa phương tiếp tục tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; đảm bảo an sinh xã hội. Chú trọng đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nâng cao các chỉ số phát triển con người toàn diện.
*Đảng bộ huyện xác định những giải pháp trọng tâm nào nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội?
* Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh: Qua rà soát, đánh giá kết quả đến hết năm 2023, Bắc Trà My đều hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết đưa ra. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn trong quá trình giảm nghèo hay xây dựng nông thôn mới.
Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo sát sao, nhất là nhiệm vụ đồng hành của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên đối với địa bàn được phân công đứng điểm trong việc định hướng, đề ra giải pháp phát triển ở từng địa phương.
Bắc Trà My là huyện miền núi, có phân vùng thấp, vùng cao, vùng thấp dễ đầu tư phát triển hơn, vùng cao khó khăn hơn do cách trở địa lý, giao thông không thuận tiện.
Vì thế, việc đầu tiên cần quan tâm chính là giao thông phải liên kết, thông suốt, thuận tiện thì mới có thể thực hiện các dự án phát triển kinh tế, đầu tư phát triển xã hội, liên kết vùng miền, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm do người dân sản xuất ra.
Trong vấn đề xây dựng nông thôn mới, khó khăn chung hiện nay là tiêu chí thu nhập của người dân một số xã chưa đạt được. Việc đưa lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh, thậm chí xuất khẩu lao động khó khăn vì nhu cầu người dân không có.
Vì thế, huyện xác định phải nâng cao chất lượng, năng lực của chủ thể sản phẩm chủ lực địa phương là cây quế Trà My. Từ đó, từng bước hỗ trợ nhân dân thực hiện tốt các mô hình kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp đặc trưng địa phương và có ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế.
* Bắc Trà My đang được đầu tư tổng lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo động lực mạnh mẽ nhằm đạt mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2025. Vậy mục tiêu này sẽ được thực hiện như thế nào?
* Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh: Trong giai đoạn đầu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực lớn nhưng do còn lúng túng vì chưa đầy đủ văn bản hướng dẫn, quy định chồng chéo...
Đến nay, các chương trình đều đang được phối hợp thực hiện nhịp nhàng, chứng tỏ được hiệu quả bước đầu. Cụ thể như các dự án hạ tầng được đầu tư, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Bắc Trà My xác định nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia là động lực quan trọng, bên cạnh nguồn nội lực tại chỗ của huyện...
Việc học tập các mô hình kinh tế cũng có chọn lọc sao cho phù hợp, chủ yếu là kinh nghiệm quản lý, cách kêu gọi đầu tư chế biến sâu sản phẩm, cách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...
* Xin cảm ơn bà!