Ưu thế cạnh tranh của hàng hóa Quảng Nam
Tín hiệu vui là hàng hóa Quảng Nam ngày càng được tin dùng. Để chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cần vận động, đổi mới.
Tin dùng vì chất lượng
Rất nhiều hàng hóa Quảng Nam được siêu thị Co.opMart Tam Kỳ chọn lựa trong giỏ quà tết vừa qua. Đó là nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ), phở sắn (Quế Sơn), dầu ăn Bảo Tâm (Tam Kỳ), bánh dừa Bảo Linh (Tam Kỳ)…
Chị Phan Thanh Tiên (Tân Thạnh, Tam Kỳ) rất vui khi được nhận giỏ quà tết như vậy. “Các sản phẩm xuất xứ Quảng Nam ngày càng chất lượng, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn” - chị Tiên nói.
Các sản phẩm bột ngũ cốc mang thương hiệu “cô Một” hay “mẹ Mít” chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Phở sắn Caromi đã xuất khẩu. Nước mắm Cửa Khe, bánh tráng Đại Lộc, yến sào Quảng Nam… được người tiêu dùng ưa chuộng.
Một ưu thế cạnh tranh của hàng hóa Quảng Nam là truy xuất được nguồn gốc đem lại tín nhiệm của khách hàng. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn, hàng hóa OCOP trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng thị trường, tìm hướng xuất khẩu.
Một “sức mạnh” khác của hàng hóa Quảng Nam là phong phú chủng loại, khẳng định ưu thế từ bao bì, nhãn mác đến an toàn thực phẩm (ATTP), có ích cho sức khỏe, giá cả phải chăng.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn cho hàng hóa Quảng Nam.
Các cơ quan, địa phương tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa xứ Quảng chất lượng. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ... giữ được lòng tin trong người tiêu dùng.
Khẳng định ưu thế cạnh tranh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn, thu hút nhiều doanh nghiệp, nông dân tham gia và được ngành chức năng giám sát ATTP.
Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP… công khai, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng về tiêu chuẩn, nguồn gốc, chất lượng, ATTP.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, một mặt ngành chức năng khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, mặt khác đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các ngành, nhóm sản phẩm có nguy cơ cao về ATTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt để bảo vệ người tiêu dùng và tạo động lực cho hàng hóa Quảng Nam ngày càng khẳng định chất lượng, ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, để đưa được hàng hóa Quảng Nam vào các hệ thống phân phối lớn của nước ngoài, doanh nghiệp phải cập nhật tiêu chuẩn quốc tế về ATTP, xu hướng tiêu dùng của thị trường xuất khẩu, phải có kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại hàng hóa ra thế giới.
Thị trường nhập khẩu đều yêu cầu chứng chỉ chất lượng riêng, do vậy doanh nghiệp Quảng Nam cần đủ năng lực kiện toàn sản xuất, bao bì, nhãn mác, minh bạch nguyên liệu, cạnh tranh về giá, nhất là chọn được thị trường mục tiêu phù hợp để đưa hàng hóa xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia phân tích trong bối cảnh còn chịu không ít tác động của dịch bệnh, giá cả nguyên phụ liệu tăng cao thì tiềm năng tăng trưởng của hàng hóa vẫn rất lớn.
Người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng, sự an toàn, tiêu dùng xanh nên doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng đúng nhu cầu. Để sản phẩm trở thành thói quen tiêu dùng của khách hàng, hàng hóa phải đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, tính năng, tác dụng.
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho rằng, siêu thị là kênh quảng bá, kết nối hàng hóa Quảng Nam uy tín với người tiêu dùng.
Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cần linh hoạt năng động đổi mới, xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo an toàn, chất lượng các khâu sản xuất, kiểm định, bảo quản… để hàng hóa đạt chuẩn vào siêu thị, tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng, nâng cao giá trị thương mại cho hàng hóa.