Nông nghiệp - Nông thôn

Bình Nguyên phát triển nghề sản xuất nấm

VIỆT QUANG 23/02/2024 12:30

Sản xuất nấm hiệu quả đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân xã Bình Nguyên (Thăng Bình). Địa phương khuyến khích nhân rộng mô hình kinh tế này.

nam-bao-ngu.jpg
Anh Nguyễn Công Đình bên mô hình sản xuất nấm bào ngư. Ảnh: V.QUANG

Anh Nguyễn Công Đình (tổ 4, thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên) cho biết, nấm bào ngư là loại thức ăn ngon, thực phẩm có dinh dưỡng cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trồng nấm bào ngư không quá khó, thời gian thu hoạch nhanh. Hiện nay, với 2 nhà xưởng, anh Đình đầu tư sản xuất 20 nghìn phôi nấm bào ngư.

Theo anh, nguyên liệu làm nấm bào ngư là bột cưa cao su ủ với vôi sau đó cho vào bịch đem hấp tiệt trùng. Từ nguyên liệu sạch, anh cấy meo giống bào ngư vào mỗi bịch, chăm sóc 65 - 70 ngày thì cho nấm rồi thu hoạch.

Mỗi phôi nấm bào ngư có thể thu hoạch 6 - 7 lần cho tổng cộng 2 lạng nấm/ bịch. Với mỗi vụ đầu tư, anh Đình thu được 4 tấn nấm bào ngư. Vào những ngày rằm hay mùng một, nấm bào ngư được giá cũng là lúc anh đưa sản phẩm ra thị trường.

“Tôi bán nấm bào ngư ở thị trường Quảng Nam và TP.Đà Nẵng với giá 80 - 90 nghìn đồng/kg. Sau thu hoạch, tôi làm vệ sinh và chuẩn bị mọi thứ trong vòng hơn 1 tháng rồi sẵn sàng bước vào vụ mới” - anh Đình nói.

Ở tổ 11 (thôn Thanh Ly 2, xã Bình Nguyên), ông Phan Công Mai làm nấm rơm nhiều năm qua và đem lại giá trị kinh tế khá. Ông cho biết, rơm khô ngâm với vôi rồi ủ bằng bạt, sau 10 ngày, mở bạt, kê rơm cao hơn mặt đất 10cm để thoát khí.

Sau đó ủ lại với nền nhiệt độ 80 độ C trong vòng 10 ngày rồi cho vào bịch, cấy meo giống đưa vào trại. Sau quãng 10 ngày thì có nấm rơm, thu hoạch để bán.

Hiện nay, ông Mai đầu tư 4 trại nấm rơm, ở mỗi trại đầu tư 1.500 bịch (phôi), mỗi phôi cho 1 lạng nấm rơm thương phẩm và chỉ thu hoạch được 1 lần. Ông Mai chỉ bán nấm rơm ra thị trường vào những ngày rằm và mùng một vì giá bán cao, lên đến 150 nghìn đồng/kg.

Từ những kết quả khả quan đạt được của nghề làm nấm, xã Bình Nguyên đang hướng tới việc xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Xây dựng sản phẩm OCOP từ nấm rơm, bào ngư trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Đông Anh - Bí thư Đảng ủy xã Bình Nguyên cho biết, địa phương tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất các loại nấm, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương khác có mô hình hiệu quả.

“Nhân rộng mô hình làm nấm hiệu quả là bước đi thiết thực. Địa phương khuyến khích người dân yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô.

Xã phối hợp các ngành chuyên môn của huyện tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, đảm bảo chất lượng trồng nấm rơm, nấm bào ngư để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” - bà Anh nói.

VIỆT QUANG