Theo bước chân người Quảng

Ai về nhắn với bạn nguồn...

HỒ XUÂN TỊNH 25/02/2024 09:12

Từ đầu nguồn sông Thu Bồn, các loại sản vật khai thác ở vùng rừng núi được thuyền bè vận chuyển xuôi về Cửa Đại. Ở hành trình ngược dòng, sản phẩm vùng đồng bằng được thương lái đưa lên miền thượng để đổi lấy lâm thổ sản.

ben-binh-yen-nhin-tu-khu-mo-chum-binh-yen.jpg
Bến Bình Yên, nhìn từ khu mộ chum Bình Yên.

Con đường muối

Ngày xưa, ở miền núi thiếu muối trầm trọng, muối phải chuyển từ đồng bằng lên và không phải dễ dàng mua được. Người miền núi phải đốt cỏ tranh, lấy tro có chất mặn để dùng thay muối.

Nắm bắt được nhu cầu người miền núi, người đồng bằng mang các loại hàng hóa như chiêng, ché, mắm, muối, cá khô, vải sợi... theo đường thủy và đường bộ đến vùng thượng nguồn để mua bán, trao đổi.

Vì muối là mặt hàng quan trọng nhất đối với cuộc sống cư dân miền núi nên con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược thường được gọi là “con đường muối”.

Thu Bồn và Vu Gia là hai dòng sông đóng vai trò rất quan trọng trên con đường muối từ vùng đồng bằng ven biển lên vùng núi rừng phía tây xứ Quảng.

Các chứng cứ khảo cổ học cho thấy từ thời tiền sử, sơ sử đã hình thành hành lang giao thương nối liền từ vùng đồng bằng xứ Quảng tới vùng rừng núi nam Trường Sơn, bắc Tây Nguyên, sang tận đất Lào và mở rộng đến vùng văn hóa Đông Sơn ở phía bắc và những vùng đất xa xôi như Ấn Độ, Trung Hoa.

Trong lòng đất trên đôi bờ sông Thu Bồn, Vu Gia và các nhánh sông Tiên, sông Khang… còn ẩn chứa nhiều di tích thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh.

Hoạt động buôn bán nhộn nhịp

Qua ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn, có thể biết hoạt động khai thác và buôn bán ở vùng đầu nguồn Quảng Nam khá nhộn nhịp từ xa xưa.

song-thu-bon.jpg
Sông Thu Bồn

Thương lái từ đồng bằng vận chuyển muối, mắm, cá khô cùng các loại hàng hóa thiết yếu khác lên miền núi để đổi lấy sản vật được khai thác ở núi rừng. Các loại lâm thổ sản từ miền núi được chở bằng ghe thuyền về xuôi, trong khi các loại cây gỗ, tre nứa được kết thành từng bè, trôi về xuôi theo dòng chảy.

Hội An trở thành điểm dừng cuối của các sản vật. Từ đây, chúng được đưa đi nhiều nơi trong nước và bán cho thương nhân nước ngoài.

Lê Quý Đôn dẫn lời khách buôn người Quảng Đông họ Trần về giá cả hàng hóa lúc bấy giờ: “Tục ở Quảng Nam gọi 100 cân là 1 tạ. Cau thì 3 quan 1 tạ, hồ tiêu thì 12 quan 1 tạ, đậu khấu 5 quan, tô mộc (gỗ vang) 6 quan, hạt sa nhân 12 quan, thảo quả 10 quan, ô mộc (gỗ mun) 6 quan, hồng mộc 1 quan, hoa lê mộc (gỗ trắc) 1 quan 2 tiền, tê giác 500 quan”.

Việc buôn bán vùng đầu nguồn đã mang lại nguồn thuế không nhỏ cho triều đình bấy giờ. Sách “Phủ biên tạp lục” ghi lại: “…Nguồn Ô Da (Vu Gia) hàng năm tiền thuế 550 quan, song 20 cuộn, mây sắt 3.500 sợi, đèn cảm lãm (nhựa trám) 3.700 chiếc, dầu vừng 13 chĩnh...

Nguồn Thu Bồn hàng năm nộp thuế vàng 3 hốt 8 lạng 3 đồng cân 1 phân, tiền thuế và tiền trầu 712 quan, sáp ong cân nặng 40 quan tiền, dầu nước 3 chĩnh, mỗi chĩnh 3 tiền, song 120 cuộn, mỗi cuộn giá 1 tiền, chiếu mây 2 đôi, mỗi đôi giá 1 quan, đèn cảm lãm 2.800 chiếc, mỗi chiếc giá 9 đồng, đèn mãn đường 2 chiếc, mỗi chiếc giá 5 tiền… Nguồn Chiên Đàn, hàng năm tiền thuế 2.060 quan, trước kia cấp ngụ lộc cho quan nội hữu, phải nộp bạc tốt 20 hốt 6 lạng”.

Trên bến dưới thuyền

Dọc hai bên bờ thượng nguồn sông Thu Bồn có những bến thuyền như Tân An (Hiệp Đức), Tý, Sé (Quế Lâm), bến Bình Yên (Quế Phước), bến Cà Tang (Quế Trung)… là nơi tập trung nhiều loại lâm thổ sản. Người dân địa phương khai thác ở các khu rừng trong vùng để chờ bán cho thương lái vùng đồng bằng.

song-tien-nhin-tu-khu-mo-chum-tien-ha.jpg
Sông Tiên, nhìn từ khu mộ chum Tiên Hà.

Xuôi dòng, ở tả ngạn sông Thu Bồn thuộc xã Đại Thạnh, Đại Lộc có một bến thuyền và chợ đầu nguồn, nơi đây tập trung các nguồn hàng lâm thổ sản khai thác từ vùng rừng núi phía tây, trong đó có dầu rái là loại hàng đặc trưng nên gọi là Bến Dầu…

Vùng ngã ba sông Thanh và sông Nước Mỹ, từ xa xưa có một bến thuyền gọi là Bến Giằng - nơi ghe thuyền từ miền xuôi chở hàng lên buôn bán với người Cơ Tu và Giẻ Triêng. Các dân tộc ít người ở đây khai thác được nhiều loại sản vật rừng dùng làm hàng hóa trao đổi muối và các vật dụng cần thiết khác.

Tại huyện Đông Giang, vùng ngã ba sông Kôn có Bến Hiên, là nơi ghe thuyền của thương lái miền xuôi chở hàng lên buôn bán với người Cơ Tu. Trong khi bên bờ sông Vu Gia (thôn 1 xã Đại Sơn) có địa danh Hội Khách.

Ở đây có bến thuyền và chợ phiên buôn bán khá sầm uất, mỗi tháng họp 2 phiên trên bãi bồi ven sông. Người Cơ Tu mang lâm thổ sản đến đây để trao đổi hàng với thương lái từ miền xuôi chở lên.

Tại các bến thuyền đầu nguồn, hàng hóa tập kết để người dân địa phương tiếp tục gùi hàng đến những bản làng xa. Có những bản làng rất xa phải đi bộ mất vài ngày mới đến.

Trong lịch sử, con đường muối tồn tại hơn ngàn năm. Còn các bến thuyền, sau này khi giao thông phát triển, phương tiện vận chuyển thay đổi, từng ngày một dấu tích các bến thuyền cũng lặng lẽ mất đi...

HỒ XUÂN TỊNH