Văn hóa

Lần giở chuyện ngày xưa...

TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG 25/02/2024 06:59

Ngày trước, có lần tôi được nội tổ Trương Đình Hoanh dắt đi dự cúng rằm tháng Giêng, tổ chức hàng năm ở Tụy Tiên đường Minh Hương.

cung(1).jpg
Cúng rằm tháng Giêng.

Trong trí nhớ của một đứa trẻ bảy, tám tuổi lúc ấy, bây giờ chỉ còn đọng lại hình ảnh hương khói nghi ngút với những cụ ông khăn đóng áo dài đen, những cụ bà vận áo dài, quần trắng sắp hàng quanh sân chờ đến lượt mình vào cúng trong chánh điện.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là chuyện sau khi cúng xong, mỗi người nhận được một phong bì màu đỏ, bên trong đựng tượng trưng một ít tiền mặt từ Ban trị sự Minh Hương Tam Bảo vụ.

Sau này lớn lên, tìm hiểu thêm tôi mới biết những phong bì này được gọi là “lộc làng”. Những tộc nhân của chư tộc phái đến dự lễ đều được phát một phong bì như vậy, xem như đầu năm vay của làng một ít vốn để làm ăn trong năm mới.

Trong năm nếu ai làm ăn được tấn tới, phát tài thì tùy vào thiện tâm của từng người, đến rằm tháng Giêng năm sau mang kim ngân, tài vật đến cúng vào quỹ làng để góp thêm phần vào chuyện sửa sang, thờ tự, cúng bái tiền nhân.

Về sau, trải qua nhiều biến thiên của thời gian, xã hội, mô hình cúng lễ Nguyên tiêu vẫn được các gia đình, tộc họ ở Hội An gìn giữ và thực hiện hàng năm, tuy quy mô có nhỏ hơn nhưng không hề bị đứt quãng.

Ngày trước, trong gia tộc Trương Đôn Hậu nhà tôi mỗi khi cúng rằm tháng Giêng đều có hai bàn cúng. Ngoài bàn cúng chay ngoài trời gồm có hương, đăng, trà, quả, xôi, chè… bên trong còn một bàn cúng gia tiên.

Bàn này, có thêm những món mặn như thịt luộc, cá chiên, rau xào… Đặc biệt, không thể thiếu một bát canh khổ qua nhồi thịt. Các cụ cho biết do khổ qua lúc ăn vào có vị đắng, nhưng nuốt vào lại có vị mát ngọt của thịt, nên bát canh này có tên là “khổ tận cam lai” - cúng món này là sự cầu nguyện gian khổ qua đi, thành công trở lại trong năm mới.

Mãi đến những năm đầu thế kỷ 21, nghề làm lồng đèn ở Hội An bắt đầu phát triển theo xu hướng du lịch. Ngoài lễ cúng Nguyên tiêu, ở đây bắt đầu thả hoa đăng trên sông, khởi xướng những cuộc thi chế tạo mẫu và trang trí lồng đèn, tạo nên không khí hội hè vô cùng đặc sắc.

TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG