Phía đông có gì mới?
Việc chuẩn bị cho sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07, ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy khóa XXII về định hướng phát triển vùng Đông Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đang được các đơn vị liên quan thực hiện.
Nhìn lại thời gian qua, rất nhiều công trình giao thông vùng đông đã được đầu tư mạnh (như đường nối thuộc dự án hoàn thiện đường 129, đường Tam Hòa, đường nối các khu công nghiệp, đường liên kết vùng…).
Những công trình này đáp ứng cơ bản yêu cầu giao thông đi trước mở đường và cũng là thực hiện một trong 6 nhóm nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển vùng Đông Nam theo nghị quyết của Tỉnh ủy.
Sắp tới, khi triển khai Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, thì vùng Đông Nam của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày.
Hiện tại, ngoài khu công nghiệp (KCN) cơ khí ô tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai và KCN dệt may tại KCN Tam Thăng; tại Khu kinh tế mở Chu Lai vẫn còn tiềm năng phát triển một khu vực liên kết các doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ theo định hướng của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quảng Nam cũng đã xây dựng đề cương Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh đang triển khai xây dựng Đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica, đề xuất dự án xây dựng đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bắc Thăng Bình theo mô hình KCN sinh thái để phát triển công nghiệp khai thác và chế biến sâu Silica.
Những đề án này, góp phần đáp ứng cho mục tiêu vùng Đông sẽ là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp.
Khi triển khai những việc này, nếu không tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì chắc chắn tiến độ sẽ rất chậm. Và những mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết của Tỉnh ủy khóa XXII về định hướng phát triển vùng Đông Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 khó đạt được.
Hiện nay, khó khăn của nhóm doanh nghiệp xây dựng và nhóm doanh nghiệp bất động sản được chỉ ra rất nhiều. Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và trong vướng mắc về thủ tục pháp lý vốn không phải là mới. Nhiều khó khăn được nêu ra từ các năm qua, nhưng việc giải quyết không hề đơn giản.
Đơn cử: theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, việc vừa phải bỏ ra chi phí để GPMB, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc nhưng chưa được trừ chi phí GPMB là gánh nặng lớn với chủ đầu tư.
Theo quy định hiện nay của tỉnh, chi phí GPMB chỉ được trừ vào tiền sử dụng đất khi hoàn thành việc quyết toán GPMB và mỗi dự án chỉ được quyết toán không quá 2 lần thì với thực tế GPMB hiện nay, việc hoàn thiện 100% công tác GPMB để quyết toán GPMB cho toàn dự án là một việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, có khi kéo dài 10 năm.
Như vậy, những chi phí GPMB mà chủ đầu tư đã bỏ ra phải bị treo ở ngân sách thời gian dài, trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp lại thiếu hụt trầm trọng.
Sắp tới, sẽ có một hội nghị chuyên đề của Tỉnh ủy để xem xét, phân tích những khó khăn này. Vướng mắc nào thuộc về các địa phương, sở ban ngành cấp tỉnh có thể vào cuộc giải quyết ngay thì tỉnh phải thực thi chế tài mạnh hơn.
Vướng mắc nào thuộc về chính phủ, các bộ ngành trung ương thì tỉnh phải cùng với doanh nghiệp gỡ dần bằng các hành động sát hơn. Gỡ từng khó khăn cụ thể, thì vùng Đông Nam của tỉnh mới thực sự khởi sắc, chứ không chỉ những điểm sáng từ hạ tầng giao thông như hiện nay.