Mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ được công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh
(QNO) - Sáng nay 27/2, Hội đồng tộc Lê - Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) tổ chức lễ kỷ niệm 553 năm (1471 - 2024) vị Thượng đợi thủy tổ Lê Tấn Trung vào mở cõi và đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ.
Ngài Lê Tấn Trung được vua Lê Thánh Tông phong là Bình Chiêm Triệu Quốc Công vì đã có công bình Chiêm mở cõi vào phương Nam năm 1471, đồng thời ở lại trấn thủ châu Lễ Dương (nay là các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên và TP.Tam Kỳ).
Các hậu duệ tộc Lê tiếp tục làm rạng danh tiên tổ. Có thể kể đến ngài Lê Văn Thủ cùng con trai là Đô đốc Lê Văn Long theo vua Quang Trung ra Bắc đánh quân Thanh xâm lược năm 1789; và về sau có các vị trung thần tham gia kháng chiến chống Pháp.
Khu lăng mộ của các vị tướng Lê Tấn Trung, Lê Văn Long tại phường Trường Xuân được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005.
Theo dòng lịch sử, danh tướng Lê Văn Thủ, quê làng Trường Xuân, tổng Chiên Đàn Trung, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Trường Xuân), xuất thân trong một gia đình vọng tộc; là hậu duệ đời thứ 10 của Bình Chiêm Triệu Quốc công Lê Tấn Trung, là thân phụ của danh tướng Lê Văn Long.
Khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, với danh nghĩa “phù Lê, diệt Trịnh”, ông và con trai Lê Văn Long theo về Tây Sơn và được giao những chức vụ quan trọng, góp công lớn trong chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).
Với những công lao, đóng góp cho triều Tây Sơn, ông được vua Quang Trung phong tước Hầu (Thủ tài hầu) vào năm 1789, sau khi chiến thắng quân Thanh xâm lược. Sắc ban tước Hầu cho ông hiện còn lưu tại tộc Lê phường Trường Xuân.
Phần mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ nằm trong khu lăng mộ tộc Lê Trường Xuân cùng hai vị tiền hiền: Bình Chiêm Triệu Quốc Công Lê Tấn Trung và Đô đốc Lê Văn Long.
Ngày 24/11/2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2540 công nhận, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ.