Quảng Nam quyết tâm hoàn thành mục tiêu Đề án 06
(QNO) - Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh sau 2 năm triển khai đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều nhiệm vụ đề ra cơ bản hoàn thành.
Sáng nay 28/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị trực tuyến công tác chuyển đổi số và sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06.
Nỗ lực “làm sạch” dữ liệu
Theo Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh, trong 2 năm 2022 và 2023, Quảng Nam xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành 1 chỉ thị, 3 nghị quyết, 7 kế hoạch, 14 quyết định, 16 thông báo và hơn 100 công văn triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các nhiệm vụ có liên quan.
Kết quả triển khai Đề án 06 thể hiện trên 5 nhóm gồm dịch vụ công (DVC) thiết yếu; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển công dân số; kết nối, chia sẻ tạo lập dữ liệu dùng chung; phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Trong đó, Công an tỉnh quyết tâm hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng, đó là cấp hơn 1,4 triệu căn cước công dân (CCCD) cho 100% công dân đủ điều kiện cấp trên địa bàn từ ngày 22/6/2023; đã tạo lập, đăng ký thành công hơn 760 nghìn tài khoản định danh điện tử.
Tỉnh đã cung cấp 25/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06, trong đó có 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên cổng DVC ngày càng được nâng lên, một số lĩnh vực đạt tỷ lệ 100%.
Thực hiện Đề án 06, đến nay 100% cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã bố trí thiết bị đọc mã QR phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng VneID. Phần mềm quản lý lưu trú ASM đã triển khai tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID; triển khai quy trình thực hiện sử dụng định danh điện tử mức 2 phục vụ người dân đi tàu bay từ ngày 1/6/2023...
Đến nay, 100% học sinh học lớp 9, lớp 12 được cấp CCCD; đã cập nhật được 36.000 hồ sơ lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền; có 34.713 hồ sơ được đồng bộ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Tỉnh đã hoàn thành công tác rà soát, cập nhật chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo; dữ liệu trẻ em được “làm sạch” đạt 85%; dữ liệu thông tin tiêm chủng được “làm sạch” đạt hơn 94%; đã nhập hơn 1.323.386 dữ liệu hộ tịch trên nền dữ liệu dân cư; đã rà soát, xác thực dữ liệu người tham gia bảo hiểm đạt 97,3%...
Đẩy nhanh tiến độ số hóa
Theo Đại tá Hồ Song Ân, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh xác định chủ đề thực hiện năm 2024 là năm “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ còn chậm theo lộ trình Đề án 06. Đó là đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai, dữ liệu người lao động; đảm bảo hoàn thành việc số hóa hồ sơ địa chính trong năm 2024 là cơ sở để kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư trong năm 2025.
Nâng cao tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến trong một số lĩnh vực còn thấp; dự toán, đề xuất bố trí kinh phí triển khai Đề án 06 năm 2024, đặc biệt chú trọng xây dựng phương án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng được nhu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan. Nâng cao tỷ lệ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác Đề án 06 cũng nêu ra nhiều bài học kinh nghiệm sau 2 năm triển khai. Trong đó, về nhận thức phải xác định Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, là nội dung đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Do đó, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân...