Chính quyền - đoàn thể

Cải cách thủ tục hành chính năm 2024 tại Quảng Nam:Không đẩy khó khăn về phía người dân

HÀN GIANG 01/03/2024 09:15

Năm 2023, công tác cải cách hành chính của tỉnh Quảng Nam ghi nhận sự nỗ lực của nhiều địa phương trong việc cải thiện chỉ số xếp hạng, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đối với cấp tỉnh đạt 99,88% tăng so với năm 2022 là 99,8%.

cchc-1.jpg
Quang cảnh hội nghị sáng 29/2. Ảnh: N.Đ

Nỗ lực của các địa phương

So với năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của huyện Nam Giang tăng 11 bậc, đứng vị trí thứ 7 theo xếp hạng của UBND tỉnh. Để có “bước nhảy vọt” này, ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ, địa phương đưa nhiệm vụ CCHC vào chủ đề công tác năm và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc thực hiện, nhất là tập trung khắc phục các hạn chế trong năm 2022. Định kỳ tổ chức kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn để đánh giá chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ CCHC, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc.

Với quyết tâm và cách làm như trên, công tác CCHC năm 2023 của Nam Giang đã tạo những chuyển biến biến tích cực, như việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước được chú trọng.

Thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.

Việc sử dụng, quyết toán tài chính, tài sản công đảm bảo công khai, minh bạch sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính.

“Kết quả chỉ số CCHC năm 2023 của huyện đạt 87,16%, xếp hạng khá. Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp đạt 81,23 điểm xếp loại tốt, tăng 23,21 điểm so với năm 2022” - ông Ngọ thông tin.

Theo Sở Nội vụ, năm 2023, đối với cấp tỉnh, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn (bao gồm hồ sơ đã giải quyết và đang giải quyết) đạt 99,88% (năm 2022: 99,8%).

Ở cấp huyện, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn (bao gồm hồ sơ đã giải quyết và đang giải quyết) 82,92% (năm 2022: 71,46%).

Cấp xã, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn (bao gồm hồ sơ đã giải quyết và đang giải quyết): 97,54% (năm 2022: 94,12%).

Phân tích kết quả CCHC năm 2022, trên cơ sở đó, UBND huyện Quế Sơn đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm khắc phục, cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm nhằm nâng cao thứ hạng và điểm chỉ số chuyển đổi số (DTI) của huyện năm 2023.

Ông Nguyễn Phước Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, địa phương lựa chọn cách làm phù hợp, tích cực hỗ trợ sử dụng công cụ chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn huyện nhằm gắn kết giữa chuyển đổi số với CCHC.

Chuyển biến rõ nét là đã nâng chỉ số CCHC của huyện năm 2023 tăng 5 bậc so với năm 2022. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 94,94%; tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 83,56%, tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 80,25%.

“Năm 2023, trên bản đồ thể chế, huyện Quế Sơn giữ vị trí thứ 3 trong tỉnh về các chỉ số phục vụ. Trong đó, đứng vị thứ 1 về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; đứng vị thứ 3 về tiến độ giải quyết TTHC; số hóa hồ sơ TTHC đạt 80,25% và thanh toán trực tuyến đứng vị thứ 4” - ông Sơn nói.

Vì mục tiêu phục vụ

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, công tác phối hợp trong CCHC, cũng như trách nhiệm giữa các sở ngành, địa phương, trong nội bộ của từng cấp chính quyền là vấn đề đã nổi lên và được nhận diện nhưng chưa khắc phục triệt để.

cchc-2.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa tặng Giấy khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc thi trực tuyến tìm hiểu CCHC năm 2023. Ảnh: N.Đ

“Chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này, dù chưa thể triệt để nhưng năm sau phải tiến bộ hơn năm trước. Cần rút kinh nghiệm, có cách làm hiệu quả trong tương tác, lấy ý kiến, trả lời, hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn để công tác phối hợp có sự chuyển biến tốt hơn. Không để chậm trễ của ngành, địa phương rồi đẩy khó khăn về cho người dân, doanh nghiệp” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nêu quan điểm.

Đối với hồ sơ trễ hạn, theo người đứng đầu UBND tỉnh, cần được phân tích làm rõ, cái nào do công tác chuyên môn, do sự e ngại, giải quyết chưa thấu đáo dẫn đến chậm trễ, nhằm phản ánh đúng bản chất về tình hình giải quyết TTHC của tỉnh.

Các thủ tục đã ban hành, giải quyết xong, công bố công khai trên hệ thống nhưng cũng cần rà soát, cải tiến phù hợp với thực tiễn. Vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, của các tổ chức. Các ngành, địa phương rà soát để có hướng cập nhật, điều chỉnh phù hợp với thực tế…

“Các ngành, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, tích cực tất cả nội dung kế hoạch CCHC năm 2024 đã được UBND tỉnh ban hành gắn với tiếp thu tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo và văn bản cụ thể từ Trung ương, đến địa phương.

Trong đó, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC và chuyển đổi số tỉnh phát huy vai trò cá nhân góp phần làm tốt hơn trong công cuộc CCHC của tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

HÀN GIANG