Thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024: Nhận thức cao để triển khai hiệu quả
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh mong muốn các ngành, địa phương nhận thức cao hơn nữa về công tác chuyển đổi số và tầm quan trọng của Đề án 06 để có kế hoạch, lộ trình triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2024.
Ngày 28/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị trực tuyến công tác chuyển đổi số (CĐS) và sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06.
Chuyển biến
Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT cho biết, năm 2023 công tác CĐS được thực hiện đồng bộ, toàn diện trong các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, với 3 trụ cột chính là “chính quyền số”, “kinh tế số”, “xã hội số”, mục tiêu đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số. Đến nay, mạng lưới cáp quang, sóng thông tin di động 3G, 4G đã phủ đến tất cả xã và hầu hết thôn trong tỉnh.
Trong năm 2023, có khoảng 2,1 triệu văn bản điện tử được gửi nhận giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình của tỉnh đạt 95,9%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2023 đạt 76,5%. Hiện có 37 dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) với tổng số giao dịch từ đầu năm 2023 đến nay gần 265,66 triệu lượt, tỷ lệ thành công 99,8%.
Hạn chế hiện nay trong chuyển đổi số, theo Sở TN-MT, dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Quảng Nam đạt kết quả quá thấp. Đến nay toàn tỉnh mới hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành, sử dụng tại 48 xã, phường của 5 địa phương cấp huyện.
Báo cáo sơ kết 2 năm (2022 - 2023) triển khai Đề án 06, Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho hay: Công an tỉnh đã cấp hơn 1,4 triệu căn cước công dân (CCCD) cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn từ ngày 22/6/2023; đã tạo lập, đăng ký thành công hơn 760 nghìn tài khoản định danh điện tử.
Tỉnh đã cung cấp 25/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06, trong đó có 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Thực hiện Đề án 06, đến nay tất cả cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã bố trí thiết bị đọc mã QR phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng VNeID.
Theo Đại tá Hồ Song Ân, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh xác định chủ đề thực hiện năm 2024 là năm “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”.
Trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ còn chậm theo lộ trình Đề án 06, nhất là đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, đất đai, dữ liệu người lao động; đảm bảo hoàn thành số hóa hồ sơ địa chính trong năm 2024 làm cơ sở để kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư trong năm 2025.
Tổ công tác Đề án 06 nhìn nhận một trong những hạn chế sau 2 năm triển khai là chưa hoàn thành và có nguy cơ không hoàn thành nhóm nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai theo Chỉ thị số 05 ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhanh chóng khắc phục hạn chế
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, năm 2024 các ngành, địa phương, trong đó Công an tỉnh với vai trò cơ quan Thường trực Đề án 06 cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện CĐS, Đề án 06.
“Người đứng đầu không phải việc gì cũng đứng ra làm, nhưng phải vào cuộc, phân công, phân nhiệm rõ, theo dõi, đánh giá, nhắc nhở... mới đem lại hiệu quả” - đồng chí Lê Trí Thanh nói.
Toàn tỉnh cần tập trung xây dựng, triển khai CSDL chuyên ngành theo đúng lộ trình; hoàn thiện hệ thống DVCTT nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến.
Cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí cho Tổ công nghệ cộng đồng để sớm trình HĐND xem xét. Ngoài ra tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực CĐS nói chung; xây dựng cơ chế thu phí 0 đồng với DVCTT trình HĐND tỉnh thông qua để thực hiện...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khắc phục các nhiệm vụ triển khai chậm trong thực hiện Đề án 06, nhất là tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, đất đai, người lao động.
Riêng về kết nối dữ liệu đất đai với dữ liệu dân cư, nhất là CSDL đất đai, có thể nghiên cứu triển khai quyết liệt như Đề án 06 - tức là tổ chức giao ban hàng tháng để tháo gỡ vướng mắc.
“Sắp đến Luật Đất đai có hiệu lực, nhiều vấn đề liên quan đến đất đai sẽ được thay đổi, đổi mới, nên nhiệm vụ này phải hoàn thành. Tôi đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phải chỉ đạo, theo dõi, triển khai đồng bộ 2 nội dung này.
Tôi mong các ngành, địa phương nhận thức cao hơn nữa về công tác CĐS và sự quan trọng của Đề án 06 để có kế hoạch, lộ trình triển khai quyết liệt hiệu quả hơn trong năm 2024” - đồng chí Lê Trí Thanh nói.