Thủy sản

Ngư dân Núi Thành vào mùa biển mới

VIỆT NGUYỄN 01/03/2024 15:06

Mùa biển mới đã bắt đầu, ngư dân Núi Thành vươn khơi với nỗ lực làm giàu từ biển.

nt.jpg
Câu mực khơi - nghề sản xuất chủ lực của ngư dân huyện Núi Thành sắp sửa sửa vươn khơi bám biển dài ngày. Ảnh: Q.VIỆT

Đoàn kết bám biển

Toàn huyện Núi Thành hiện có gần 2.000 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có gần 400 tàu cá công suất lớn hoạt động thường xuyên ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tổng số lao động khai thác nghề biển khoảng 4.500 người, trong đó chủ yếu tham gia đánh bắt hải sản xa bờ.

Ngư dân Trần Hò (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) - chủ tàu cá QNa-91478 cho biết, tàu của ông trước đây được đóng mới với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam hơn 1,5 tỷ đồng. Đến nay, nhờ sản xuất đạt, ông Hò trả xong nợ, tích lũy vốn để đầu tư cho nghề đánh bắt hải sản hiện đại hơn.

“Tàu cá của tôi đã trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, máy giám sát hành trình hoạt động 24/24 giờ. Tôi sẽ thay thế máy dò cá đứng thành máy dò cá ngang để dò tìm đàn cá lớn cho hoạt động đánh bắt hiệu quả hơn” - ông Hò nói.

Điểm sáng của nghề đánh cá huyện Núi Thành là đa số ngư dân sản xuất theo mô hình tàu mẹ - tàu con. Tàu con theo tàu mẹ ra khơi cùng đánh bắt hải sản rồi vận chuyển hải sản về bờ bán, mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, các vật dụng thiết yếu khác tiếp tục ra khơi để phục vụ hậu cần và cùng khai thác chuyến biển tiếp theo với tàu mẹ.

Mô hình này giúp ngư dân giảm chi phí nhiên liệu, tăng năng lực khai thác hải sản, giảm hao hụt sản phẩm sau khai thác. Riêng xã Tam Quang, nhiều chủ tàu theo mô hình này và thu được giá trị kinh tế lớn như các ngư dân Huỳnh Văn Diệp, Huỳnh Văn Song, Phạm Xuân Lệ, Phạm Xuân Anh, Huỳnh Văn Dũng…

Nghề biển đối diện với rủi ro do thời tiết thất thường nên ngư dân huyện Núi Thành đã tập hợp lại thành lập tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Mỗi tổ, đội có từ 5 tàu cá trở lên.

Các thành viên thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường tiêu thụ hải sản, kịp thời khai thác các luồng cá tập trung. Nhờ đó, tăng năng lực đánh bắt hải sản, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và tương trợ ứng cứu lẫn nhau mỗi khi xảy ra sự cố trên biển.

Tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân Núi Thành vững chãi vượt sóng ra khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, làm giàu từ biển.

Thiết thực hỗ trợ ngư dân

Theo ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, hiện nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyển biển cho ngư dân. Các cơ quan chức năng của huyện tích cực hỗ trợ ngư dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tiếp nhận cơ chế với mức tối đa là 400 triệu đồng/tàu/năm.

nt3.jpg
Niềm vui của ngư dân Núi Thành sau chuyến biển. Ảnh: Q.VIỆT

“Ngành nông nghiệp thường xuyên phối hợp với ngành thủy sản tỉnh để cập nhật các bản tin dự báo ngư trường, phổ biến giúp ngư dân chủ động các chuyến biển đánh bắt hải sản.

Ngành nông nghiệp còn phối hợp chặt chẽ với các xã có nghề cá để tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, trang bị, vận hành giám sát hành trình và không sang vùng biển nước ngoài đánh bắt” - ông An nói.

Ngư dân huyện Núi Thành đang sở hữu 3 nghề cá chủ lực của tỉnh là lưới vây, chụp mực và câu mực khơi. Thúc đẩy phát triển bền vững nghề khai thác hải sản, huyện Núi Thành khuyến khích ngư dân tiếp cận, đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại cho nghề cá như sử dụng máy tời treo thu lưới vây, máy tời thu lưới kéo, hệ thống thu, thả lưới chụp mực… để giảm sức lao động, đảm bảo an toàn và thu được sản lượng hải sản lớn.

Về thiết bị điện, điện tử trên tàu cá, vận động ngư dân áp dụng ra đa, định vị, máy nhận dạng tàu, máy dò cá ngang, phao vô tuyến, điện thoại vệ tinh... để hỗ trợ việc dò tìm, đánh giá đàn cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển.

Thuận lợi của nghề cá huyện Núi Thành là sở hữu 2 cảng cá lớn nhất tỉnh là cảng cá Tam Quang và Cảng cá An Hòa. Đây là 2 cảng cá được Bộ NN&PTNT chỉ định ngư dân cập cảng bán hải sản tại Quảng Nam.

Các cảng cá đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần của nghề biển, có khu chế biến hải sản, khu vực cung ứng xăng dầu, lương thực, thực phẩm, cung cấp ngư lưới cụ và gắn kết với các cơ sở sửa chữa tàu cá.

Ưu tiên phát triển bền vững nghề cá, UBND huyện Núi Thành đang vận động ngư dân chuyển nghề nguy hại đến sinh thái, môi trường biển sang nuôi trồng hải sản, phát triển du lịch, dịch vụ..., trên cơ sở cơ chế hỗ trợ ngư dân chuyển nghề đã được Chính phủ ban hành.

VIỆT NGUYỄN