Thanh niên khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi
(QNO) - Mô hình nuôi dúi thương phẩm và dúi giống của anh Tô Văn Bình (SN 1985, xã Đại Chánh, Đại Lộc) sau 7 năm đầu tư đã cho thu nhập khấm khá nhờ tìm được thị trường đầu ra ổn định.
Anh Tô Văn Bình kể, vào năm 2017, một lần tình cờ được người anh tặng 1 con dúi rừng, anh đã chọn cách nuôi dưỡng, thuần hóa động vật này. Sau thời gian, thấy dúi thích nghi và lớn nhanh, anh Bình tìm mua thêm dúi ở một số nơi về nuôi dưỡng. Không phụ công chăm sóc, dúi lớn nhanh và bắt đầu nhân giống.
"Thấy dúi phát triển tốt, tôi quyết tâm phát triển mô hình nuôi dúi. Dù thời gian đầu gặp nhiều khó khăn vì không có kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên dúi mắc bệnh và chết một số. Lúc ấy internet chưa phát triển như bây giờ, không có kênh để học hỏi, tham khảo. Sau nhiều lần thất bại, tôi cũng nắm được tập tính, thói quen của nó, đúc kết được phương pháp phối giống…; nhờ đó việc nhân đàn thành công" - anh Bình nói.
Cuối năm 2020, bão quét qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến đàn dúi, chuồng trại bị gió tốc, thức ăn của dúi là tre khó tìm, chủ yếu mía nên dẫn đến bị viêm đường tiểu, số lượng dúi chết khá nhiều. “Lúc ấy, tôi hoang mang, có lúc tính bỏ nuôi, nhưng nghĩ đến công sức mấy năm gầy dựng, tôi cố gắng tìm ra nguyên nhân và phục hồi lại đàn dúi” - anh Bình kể.
Sau khi khôi phục đàn dúi, năm 2021, anh quyết định vay thêm tiền để đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố rộng hơn 100m2, mở rộng đàn. Đến nay, đàn dúi của anh Bình dao động từ 350 - 500 con, mỗi năm mang về thu nhập cho anh khoảng 120 - 150 triệu đồng.
Dúi là con vật mang lại giá trị kinh tế cao, chi phí thức ăn thấp, công chăm sóc ít, so với các loại vật nuôi khác thì hiệu quả rất cao. Nuôi dúi phải kiên trì, vì sau 3-5 năm mới thu hồi được vốn, nếu nuôi theo kiểu mỳ ăn liền thì sẽ khó thành công
Anh Tô Văn Bình
Tô Văn Bình cho biết, thức ăn của dúi chủ yếu là tre, mía, bắp, cỏ. Mỗi ngày, anh không mất quá nhiều công chăm sóc, buổi sáng dậy đi kiểm tra tình hình chuồng trại, cho ăn bắp. Buổi chiều mát, anh đi chặt tre, mía về cho chúng ăn. Anh chỉ mất một ít thời gian theo dõi những con dúi đến thời gian giao phối và sinh sản.
Những con dúi giống sau thời gian chăm sóc khoảng 7 tháng bắt đầu cho sinh sản. Bình quân mỗi con dúi sinh sản từ 1-5 con, tùy theo số lượng con sẽ tách đàn sớm hay muộn để đảm bảo dúi con khỏe mạnh, phát triển tốt.
[VIDEO] - Anh Tô Văn Bình chia sẻ về mô hình nuôi dúi:
Hiện nay, dúi thương phẩm có giá khoảng 500 nghìn đồng/kg, dúi giống dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/cặp. Dúi giống có đầu ra đảm bảo nên anh Bình dự định sẽ mở rộng trang trại.
Mô hình nuôi dúi của anh Bình mở ra nhiều triển vọng, chính quyền xã Đại Chánh đang có định hướng liên kết thành lập tổ hợp tác nuôi dúi nhằm tạo chuỗi liên kết giá trị, góp phần phát triển kinh tế địa phương.