Đêm hội quê nhà
(QNO) – Lần đầu tiên sau nhiều năm, tiếng trống chầu đã vang lên rộn rã trên quê hương của soạn giả tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) như tiếng gọi mời người dân, du khách tìm về trong Đêm hội quê nhà.
18 giờ tối, bà Mai Thị Trọng Anh (83 tuổi) đã nhờ cô cháu gái chở đến sân khấu để kịp xem hát tuồng. Quê ở làng Đông Khương, phường Điện Phương nhưng làm dâu về làng Trung Phú, phường Điện Minh (cách khoảng 2km), nghe có đêm tuồng gần nhà bà Anh rất mừng.
“Hồi xưa coi tuồng mê lắm, nhưng lâu nay không thấy đoàn về diễn nữa nên nhớ, do đó khi nghe tin tối nay có tuồng là tôi bảo cháu chở đi coi liền”- bà Anh nói.
Trên khoảnh sân rộng trước Cơ sở đất nung Lê Đức Hạ (làng Đông Khương, Điện Phương), bà Anh ngồi lặng yên nhai trầu xem trích đoạn “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, thỉnh thoảng xoay qua cô cháu gái như giải thích điều gì. Xung quanh bà, hàng trăm đôi mắt trẻ già cũng chăm chú nhìn lên sân khấu.
Bà Hồ Thị Thu (63 tuổi, quê làng Thanh Chiêm 1, Điện Phương) cho biết, bà “nghiện” hát tuồng từ khi còn trẻ, đã ngồi coi thì không đứng lên được. “Điện Phương tôi có truyền thống tuồng nên hình như ai cũng thích bởi nó hay quá” - bà Thu tự hào.
Với chủ đề “Đêm hội quê nhà”, chương trình dường như đã trở thành sự kiện văn hóa “trọng đại” của người dân làng Đông Khương những ngày đầu năm mới.
Thông qua các trích đoạn như “Đi sứ”, “Mẹ Đốp”… chương trình đã thật sự mang đến nhiều ấn tượng, thích thú cho người dân và du khách không chỉ bởi sự dí dỏm, độc đáo qua cách trình diễn của các diễn viên đến từ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) mà còn ở nội dung gần gũi, nhẹ nhàng. Nhiều tiếng cười sảng khoái đã rộ lên dưới sân khấu trước những lời thoại, hành động hài hước của nhân vật.
Bà Laurent – du khách Úc liên tục gật đầu trầm trồ khi nghe hướng vẫn viên phiên dịch nội dung các trích đoạn tuồng. “Tôi không nghĩ nó hay và thú vị như vậy, đất nước các bạn có những môn nghệ thuật rất ấn tượng” - bà Laurent vui vẻ. Vị nữ du khách này là một trong số gần 20 du khách và đại diện các đơn vị lữ hành đã có mặt tại đêm hội vừa diễn ra tối qua 1/3.
[VIDEO] - Học sinh Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ thi vẽ mặt nạ tuồng:
Điện Phương được ví như mảnh đất trăm nghề cùng hệ thống di tích, cảnh quan, sinh thái, văn hóa, du lịch phong phú. Bà Phan Thị Hồng Hạnh – Công ty Du lịch Kiến Phát Nguyên (Đà Nẵng) nhìn nhận, nếu đưa vào khai thác du lịch đây sẽ là tour tham quan thú vị, hấp dẫn. Du khách không chỉ được trải nghiệm các giá trị văn hóa, làng nghề, ẩm thực độc đáo mà còn có thể thưởng thức những chương trình nghệ thuật hay như các trích đoạn tuồng trong Đêm hội quê nhà. Đặc biệt, càng thuận lợi khi cung đường đến làng khá dễ dàng, nhanh chóng kể cả đường bộ và đường thủy đi thuyền dọc sông Thu Bồn từ Hội An lên.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL phân tích, chỉ cần trau chuốt lại Đêm hội quê nhà sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tiềm năng, cơ hội đã có vấn đề hiện nay chỉ là cách thức khai thác, phát huy các giá trị du lịch này nên địa phương cần tính toán, triển khai, sở sẽ sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn, kể cả kết nối doanh nghiệp lữ hành đưa khách về.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, chương trình chỉ mang tính thí điểm, Điện Bàn sẽ tiếp tục hoàn thiện trước khi phát triển thành một sản phẩm du lịch, giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm hơn trên cung đường di sản kết nối đô thị cổ Hội An và khu đến tháp Mỹ Sơn.