Cuộc sống thường ngày

Hương làng trong phố

HÀ AN 03/03/2024 07:17

Tôi về ngụ cư xóm này gần mười lăm năm có lẻ. Xóm ở phố mà không có tên đường, không có số nhà, vì vậy gọi con hẻm cũng được.

z5199825933552_de3afa63658c898f1da701d86646830a.jpg
Nồi bánh tét cuối năm trong hẻm phố. Ảnh: X.H

Nghe các cụ cao niên ở làng nói, mọi người hay gọi đây là xóm Cây Sung, vì thời xưa có một cây sung cổ thụ…

Thời chiến tranh, do gần tỉnh đường Quảng Tín, bộ đội ta từ núi Trà Cai, ngã ba Kỳ Lý tìm về thường đứng chân ở đây. Và vùng đất này thành nơi mà cả hai phía đều có người nằm lại.

Tôi về ở đó, các cụ căn dặn rằng miếu thờ thần làng, thờ những người khuất mặt rất linh thiêng. Ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, cả làng tụ họp về đây để cúng tế, dâng hương… Đây cũng chính là cuộc hội ngộ đầu năm, giữa năm của những người sống trong làng, trong xóm…

Cái hẻm nhỏ, mà bao nhiêu là chuyện. Trong xóm có người đàn bà tên Tám, mọi người hay trêu, cái tên cũng giống như biệt danh “bà Tám”. Xóm có việc gì, ai mua sắm gì mới, việc tang, việc lễ, việc hiếu, hỉ, bà giống như trưởng thôn đi loa khắp. Nhiều lúc cũng bực mình nhưng vui! Bởi, họ là thị dân đó nhưng lớn lên và gắn bó cùng gốc rạ…

Dân quanh đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Dù cho làng có lên phố, mặt trước nhà xây, nhưng mặt sau vẫn nuôi trâu, bò, heo, gà… Nghe gà trống gáy, thì biết đã hửng sáng mà chẳng cần dòm đồng hồ báo thức. Nghe tiếng nghé ọ, bò kêu “ụm bò”, là biết sang tối.

Trước nhà tôi, khúc đường tự dưng thắt eo. Thành ra, đàn trâu nhà hàng xóm trước khi vào chuồng bao giờ cũng đứng đó gởi lại... một bãi. Mùa nắng, mùi phân trâu bốc lên hăng hắc. Ban đầu ai cũng khó chịu nhưng riết lại trở nên quen thuộc như cảnh đường làng.

Mùa mưa, xóm thành một dòng suối mênh mông. Cái ghe cất trên gác nhà, đem xuống chèo thuyền dọn lụt, bắt cá. Còn những nhà khác dùng thau, dùng thùng xốp, có người còn đóng cả bè chuối để những đứa trẻ trong xóm biết thế nào là lội lụt…

Tiếng ếch, ễnh ương kêu inh ỏi ở hồ sau. Đôi lúc lại nghe tiếng chim gù, tiếng kêu thảng thốt tội nghiệp của con chim quốc lẻ bạn tình. Nó kêu suốt, đến khi không còn tiếng kêu khắc khoải của nó nữa thì… xóm cũng vắng hiu.

Tết đến, nhà nhà đều gói bánh tét, làm bánh in, bánh nổ. Không khí như ở quê xưa. Bà Tám bưng một rổ rau xanh, ông Khánh xách con gà mái đẻ, ông Hai cho đòn bánh tét… với chung một câu: “Nhà chẳng có gì ngoài cây nhà, lá vườn, chủ yếu là cái tình!”.

Nghe nói xóm sẽ quy hoạch, có tên đường. Đường sẽ mở rộng ra. Nghe thì vui đó, nhưng lại sợ đường to nhà lớn sẽ mất đi cảm giác của làng xóm thân thương, lại tiếc cái giàn bông mướp, vạt hoa cải hay cả “mùa nước nổi” để chụp hình nuôi phây…

Cũng lại tự cười mình tới đó chắc không còn nghe mùi ngai ngái của phân trâu, lại tiếc mùi rơm rạ thơm lừng, lại bâng quơ sợ hụt hẫng vì biết đâu không còn nhận được quà tết quê …

Lại chỉ mong làng lên phố nhưng phố vẫn giữ hương làng!

HÀ AN