Cầu mong được, ước mong nhiều!
Xuất phát từ nền văn hóa lúa nước, văn minh nông nghiệp, người Việt coi trọng lễ hội cầu mùa.
Thường vào giêng hai, lễ hội cầu an, cầu bông, cầu mùa diễn ra nhiều nơi, nhưng ở mỗi vùng miền và tùy thuộc thời vụ, thậm chí quanh năm vẫn thực hành tập tục, nghi lễ ấy.
Cầu mùa thì cầu những điều gì? Xem nhiều lễ hội, có thể thấy khái quát thường là cầu bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng, để quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, cây trồng cho thu hoạch khá, lục súc thái đa…
Giống như một số tộc người vùng cao Quảng Nam, đồng bào Khơ Mú có bài cúng cầu Mẹ Lúa khá ý nghĩa, rằng:
Tưới cho cây lúa mọc
Cho cây lúa nẩy mầm
Cho hạt chắc bông dài
Gốc lúa bằng gốc lau
Bông lúa dài bằng quả núc nác…
Cầu mùa, đôi khi cách gọi tương tự là cầu bông. Như ở Hội An, làng rau Trà Quế đã hơn 500 tuổi cầu bông mang ý niệm nguyện cầu Thần Nông che chở cho mùa màng bội thu, dân làng yên ổn.
Cũng là cầu bông nhưng ở Bình Phước không diễn ra vào tháng Giêng như Hội An mà thường tổ chức vào tháng 9.
Lễ hội này ra đời từ thế kỷ 19, gắn liền với quá trình xây dựng các ngôi đình thần, canh tác nông nghiệp và quan niệm uống nước nhớ nguồn của cộng đồng người Kinh tại Bình Phước, vì vậy được thực hành tại 5 ngôi đình và miếu thờ Thành hoàng, tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ.
Lễ hội cầu bông của người Kinh ở Bình Phước đã được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ý nghĩa cầu bông, cầu mùa không chỉ có ở dân nông nghiệp trồng trọt mà còn có ngư dân.
Lễ hội cầu ngư dọc miền duyên hải (như ở biển Quảng Nam) lưu dấu vết xa xưa, không chỉ là tín ngưỡng thờ cá ông hay thần Nam Hải, mà còn gắn với cầu thần cho mùa đi biển được cá tôm nhiều, cũng là dịp “mở biển”, xuất bến những chiếc tàu vươn khơi xa.
Dĩ nhiên với những quan niệm truyền thống là có thờ có thiêng, có kiêng có lành, người ta tổ chức lễ hội cầu an, cầu bông, cầu mùa để vọng niệm những thế lực siêu nhiên che chở.
Nhưng không thể bao giờ thực tế cũng cầu được ước thấy, cầu gì được nấy. Cầu thì chỉ mong được còn ước thì nhiều, như sự vận động của nhu cầu cuộc sống, với những nấc thang cao lên dần, rộng ra hơn.
Chẳng hạn có thể quan sát những hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm từ nông nghiệp, cũng có hình thức cầu mùa để đánh dấu ra quân sản xuất hàng năm, cầu ước được thắng lợi doanh thu.
Nhưng quan niệm hiện đại, cầu ước thế nào cũng phải đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa, trong đó yếu tố con người với việc xác lập kế hoạch, giải pháp sáng tạo mang ý nghĩa quyết định thành công chứ không thể trông chờ lực lượng siêu nhiên nào.
Hiểu sự chuyển động như vậy nên thấy điều ước cho nông nghiệp Việt Nam quả lớn lao và cần vượt qua nhiều thách thức để đạt được thành quả mong ước, trong đó có việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản hàng hóa.
Tín hiệu vui khi xuất khẩu nông sản của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh đầu năm 2024 (tháng 1 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2%). Điều ước năm 2024 được lượng hóa thành mục tiêu là xuất khẩu nông sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu mơ ước ấy, nhiều tỉnh thành cùng doanh nghiệp đã xúc tiến lập kế hoạch và thực thi các biện pháp, giải pháp sản xuất, tìm kiếm thị trường.
Có địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu rất khá trong 2 tháng đầu năm 2024, như tỉnh Gia Lai đạt khoảng 167 triệu USD, đạt 22,7% kế hoạch năm.
Vậy với Quảng Nam, Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đã đặt mục tiêu cho nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt giá trị xuất khẩu 300 triệu USD vào năm 2025, thì cần gấp rút thực thi nhiều kế hoạch cụ thể, giải pháp đồng bộ chứ không thể chỉ cầu là có.