Doanh nghiệp Quảng Nam kỳ vọng chặng phục hồi
Những hứa hẹn phát triển đang dần thành hình khi cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều nỗ lực không ngừng...
Đảm bảo ổn định công việc
Anh Phan Quang Linh - công nhân Công ty Hyosung, Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng, Tam Kỳ, chia sẻ, mong muốn công việc này ổn định lâu dài.
“Năm 2023 trôi qua là một năm khó khăn với nhiều người, trong đó có bạn bè, gia đình tôi. Bản thân tôi may mắn vì công việc vẫn ổn định, thu nhập đủ để lo cho gia đình.
Với người lao động như chúng tôi, không mong gì hơn là công ty có công việc tốt, người lao động được làm việc mà không lo lắng gì về việc làm, chế độ phúc lợi xã hội đầy đủ”.
Cũng như anh Linh, tất cả người lao động đều mong muốn năm sau công việc tốt hơn năm trước, thu nhập cũng cao hơn. Anh Nguyễn Tánh - người lao động ở Công ty TNHH OCC Vina, KCN Tam Thăng, Tam Kỳ, nói, anh cũng tin tưởng người lao động sẽ có việc làm nhiều hơn.
“Bản thân tôi là vợ cùng làm ở Công ty TNHH OCC Vina từ năm 2018 đến nay, gắn bó với công việc khá bền bỉ. Tôi tin tưởng trong năm 2024 này, việc làm dành cho người lao động sẽ có nhiều hơn khi các công ty đều hết sức nỗ lực chăm lo cho người lao động trong năm khó khăn vừa qua” - anh Tánh nói.
Các cam kết về việc làm, thu nhập, chế độ phúc lợi đều được doanh nghiệp đảm bảo cho người lao động.
Tại KCN Tam Thăng (TP. Tam Kỳ), đại diện bộ nhận nhân sự Công ty TNHH Fashion Garments thông tin công ty đã lập kế hoạch tuyển dụng thêm 400 nhân viên có tay nghề may và học nghề may để đào tạo làm việc lâu dài.
Trước những đơn hàng được ký kết với đối tác nước ngoài ổn định, công ty này đảm bảo được việc làm cho người lao động trong năm 2024 với các chế độ phúc lợi xã hội đầy đủ.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, đến thời điểm này, có hơn 12 nghìn vị trí việc làm đang cần người lao động. Với các vị trí khác nhau, từ quản lý, chuyên môn bậc cao, chuyên môn bậc trung, nhân viên văn phòng, dịch vụ khách hàng đến lao động giản đơn hay lao động có kỹ năng và thợ lành nghề.
Đặc biệt, từ trước và sau Tết Nguyên đán, chỉ riêng trong tháng 2 này, toàn tỉnh có 16 đơn vị, công ty thông báo tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Đa số vị trí việc làm đều yêu cầu có trình độ tay nghề khác nhau. Có thể thị trường việc làm đầu năm chưa sôi động, nhưng những thông tin tuyển dụng việc làm quay trở lại đã khởi động một năm mới với những kỳ vọng tốt hơn năm cũ.
Nghị quyết 06 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động yêu cầu các địa phương chú trọng và tập trung khắc phục các hạn chế. Trong đó đáng chú ý là việc chưa giải phóng được mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; việc làm còn thiếu bền vững và chưa kết nối cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề.
Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tập trung kết nối cung - cầu lao động, kết nối thông tin lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động, nhất là việc ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động; đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm... X.H
Nguồn lao động không thiếu
Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH thực hiện thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, lực lượng lao động toàn tỉnh năm 2023 là hơn 1,1 triệu người. Đặc biệt, lực lượng lao động sinh sống ở khu vực thành thị hơn 332 ngàn người, chiếm tỷ lệ 27,3%; lực lượng lao động sinh sống ở khu vực nông thôn hơn 858 nghìn người, chiếm tỷ lệ 72,7%.
Nếu chia theo nhóm tuổi, số liệu phân tích cho thấy lực lượng lao động ở nhóm tuổi 20 - 39 chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 32,22%. Điều này thể hiện cơ cấu lao động chia theo nhóm tuổi của Quảng Nam đang ổn định với lực lượng lao động có năng suất cao.
Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động cũng đang được cải thiện theo xu hướng tăng tỷ lệ qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ được cải thiện và nâng cao hàng năm.
Cũng như vậy, cơ cấu lao động của tỉnh đang chuyển dịch theo đúng định hướng, trong đó có 32,6% tham gia hoạt động kinh tế lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, tham gia hoạt động kinh tế lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ 34,01% còn lại là lao động trong lĩnh vực kinh tế thương mại và dịch vụ.
Như vậy, lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế năm 2023 của tỉnh đang làm việc tại 3 nhóm ngành kinh tế chính với tỷ lệ gần bằng nhau.
Trước thực trạng lực lượng lao động phần lớn ở khu vực nông thôn, yêu cầu đặt ra chính là công tác đào tạo lao động.
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: “Việc làm dành cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo ở khu vực miền núi, phát triển khu vực nông thôn, có thể giải quyết tại chỗ thông qua các dự án của tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn. Lực lượng này nhiều năm gần đây liên tục được đào tạo thông qua các dự án, chương trình của trung ương và của tỉnh”.
Ông Nguyễn Quang Bảo - Tổng Giám đốc THACO AUTO:
THACO cần tuyển thêm rất nhiều lao động
THACO là tập đoàn công nghiệp đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực gồm ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tư - xây dựng, thương mại - dịch vụ và logistics.
Tại Chu Lai, trong năm 2024 THACO sẽ tập trung triển khai các dự án Hạ tầng giao thông, Khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị, gồm KCN Cơ khí - ô tô hiện hữu (243 ha); KCN Cơ khí - Ô tô mở rộng (115 ha); Khu công nghiệp Nông nghiệp (451 ha); Khu cảng, logistics và phi thuế quan (173 ha); Nạo vét Luồng hàng hải Kỳ Hà; Khu phi thuế quan, bến cảng Tam Hòa, tuyến luồng Cửa Lở; Khu đô thị Chu Lai giai đoạn 1 (195 ha).
Từ đó nên nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của THACO cũng sẽ cần tuyển dụng thêm. Như THACO AUTO khoảng 100 nhân sự cần tuyển dụng thêm, THACO AGRI sẽ tuyển thêm 12.648 nhân sự, THILOGI tuyển thêm 173 nhân sự...”.L.D