Lao động Quảng Nam thích ứng công nghiệp 4.0
Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất mới theo hướng tự động hóa, số hóa buộc người lao động trong các doanh nghiệp phải thích ứng để tồn tại và phát triển.
Nhìn từ THACO
Vào làm việc tại THACO Chu Lai từ năm 2009, anh Lê Văn Bình hiện là công nhân lắp ráp ô tô tại nhà máy THACO Kia. Quá trình gắn bó với nhà máy, anh chứng kiến sự thay đổi không ngừng của công nghệ sản xuất, lắp ráp.
“Xưa chúng tôi lắp ráp thủ công khá nhiều, còn bây giờ có máy móc, công nghệ thay thế, đỡ phải dùng sức. Ví dụ trước đây, nhiều chi tiết lắp ráp phải bưng bê, sử dụng tay thì giờ có robot hỗ trợ hết. Để làm việc được trên dây chuyền công nghệ cao như vậy, chúng tôi đã được các chuyên gia hỗ trợ, đào tạo trực tiếp” - anh Bình chia sẻ.
Hiện nay, THACO Chu Lai có 13.913 nhân sự. Năm 2024 là năm thứ 2 doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện chiến lược đa ngành và kế hoạch 5 năm (2023 - 2027). Thời gian qua, THACO đã tiên phong trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, tự động hóa và quản trị theo hướng số hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tại THACO Chu Lai, các nhà máy công nghiệp hỗ trợ đang được đầu tư phát triển theo hướng tự động hóa và ứng dụng số hóa, hướng đến áp dụng mô hình nhà máy thông minh, nâng cao tỷ lệ tự động hóa… Điều này đòi hỏi mỗi công nhân phải nỗ lực để thích ứng.
Dù có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc ở bộ phận kiểm định xe tải tại THACO Chu Lai, nhưng anh Nguyễn Bá Luật nói, nếu bản thân không chịu khó học hỏi, tiếp thu công nghệ mới được đưa vào nhà máy thì rất khó đáp ứng yêu cầu công việc.
“Các quy trình sản xuất, lắp ráp ô tô ngày càng tự động hóa nên công tác kiểm định cũng sử dụng máy móc, công nghệ là chính. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải tự thay đổi, nâng cao trình độ bản thân.
Ngoài thời gian làm việc ở nhà máy, tôi phải vào google đọc thêm tài liệu, đồng thời ghi chép cẩn thận những vấn đề cần lưu ý, những kinh nghiệm từ thực tế…” - anh Luật chia sẻ.
Trong cuộc cách mạng 4.0, lãnh đạo THACO từng dự báo doanh nghiệp sẽ dôi dư một số lượng lớn cán bộ nhân viên, đặc biệt là công nhân lành nghề. Để “không ai bị bỏ lại”, THACO sẽ tập trung đào tạo từ kỹ năng tay nghề thủ công sang kỹ năng sử dụng công nghệ tự động.
Thời gian qua, Quảng Nam đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn lao động. Từ Nghị quyết 13 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh với yêu cầu “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao” trở thành 1 trong 6 mục tiêu trọng tâm phát triển thanh niên tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030; HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 50 về phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt từ 70 - 75%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% vào năm 2025…
Vá “lỗ hổng”
Phụ trách quản lý lĩnh vực điện công nghiệp tại một công ty Hàn Quốc thuộc Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), ông Cao Bá Hạnh thường xuyên được giao phỏng vấn, tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lúc ông phải “đỏ mắt” để tìm kiếm lao động.
“Bộ phận chúng tôi thường xuyên tuyển dụng lao động quản lý, công nhân kỹ thuật, với yêu cầu tối thiểu tốt nghiệp trung cấp. Đặc biệt, doanh nghiệp chúng tôi luôn ưu tiên tuyển dụng lao động người Quảng Nam. Nhưng phần lớn lao động qua ứng tuyển chưa đáp ứng được nhu cầu.
Chưa nói đến lao động quản lý, công nhân kỹ thuật cũng rất khó tìm được người phù hợp. Điều này cũng dễ hiểu bởi thị trường lao động có trình độ cao không nhiều như các tỉnh thành trong miền Nam nên doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn…” - ông Cao Bá Hạnh nói.
Trên thực tế, nhiều lao động sau khi tốt nghiệp lại đi làm không đúng nghề. Sau 3 - 4 năm quay lại phỏng vấn, nghề được đào tạo trước đây đã không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, trong khi công nghệ, kỹ thuật liên tục thay đổi.
Ngay trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chuyển đổi mạnh, tính cạnh tranh trong môi trường công nghiệp tự động hóa càng khắc nghiệt, nếu không cải thiện thì sẽ càng khó khăn hơn cho lao động Quảng Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi doanh nghiệp tái cấu trúc lại nhà máy, thay thế toàn bộ bằng công nghệ và đầu tư dây chuyền sản xuất mới, vấn đề cắt giảm lao động là tất yếu.
Để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng 4.0, người lao động phải tự đào tạo và được đào tạo. Và việc đào tạo hiện nay không chỉ là quá trình tự thân của người lao động, vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cũng rất lớn.
Ở góc độ các địa phương, người lao động rất cần chính quyền có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động. Trước đây, hầu như các doanh nghiệp chỉ tổ chức tuyển dụng, ít khi tổ chức đào tạo.
Nay, theo các chuyên gia, chính quyền phải thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo người lao động phổ thông học tập, nâng cấp và chuyển đổi số, phù hợp với xu thế việc làm hiện tại.