Môi trường

Đa dạng sinh học từ môi trường đô thị

LÊ QUÂN 03/03/2024 09:30

Đa dạng sinh học trong đô thị ít nhiều mang ý nghĩa tạo môi trường sống lành mạnh, giúp hạn chế suy giảm các loài động thực vật thiên nhiên. Đây cũng là mong muốn của các nhà quy hoạch, kiến trúc sư lẫn cư dân đô thị...

z5200307377834_03fe93b340011475251e5dfda6adc97e.jpg
Một góc phố xanh Tam Kỳ. Ảnh: X.H

Vùng đệm xanh

Xung quanh các thành phố, thị trấn của Quảng Nam đang là những “vùng đệm xanh” với hệ động thực vật phong phú. Giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng góp phần giảm những tác động từ phát thải của đô thị xứ Quảng.

Tại đô thị cổ Hội An, khu vực rừng dừa xã Cẩm Thanh có hệ sinh thái đa dạng, nằm ngay bờ bắc sông Thu Bồn, cuối biển Cửa Đại, đồng thời cũng nằm trong vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

Bắt đầu từ năm 2015, Quảng Nam đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trồng và phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Cẩm Thanh là môi trường thuận lợi cho nhiều loài thủy sản vùng cửa sông ven biển sinh sản và phát triển. Đây cũng được nhận diện là lá phổi xanh của đô thị cổ.

Trong khi đó, những ngày này, TP. Tam Kỳ đang rộn ràng chuẩn bị cho các sự kiện trong khuôn khổ hoạt động Năm phục hồi đa dạng sinh học 2024.

Với riêng vùng đệm từ cánh đông Tam Kỳ, khu vực Sông Đầm (Tam Thăng) đang đợi chờ ngày được định danh là khu bảo tồn đa dạng sinh học gắn với hệ sinh thái đất ngập nước.

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ cho biết, Tam Kỳ đang toan tính mở rộng không gian xanh ở các khu vực đồi núi, sông hồ, đất ngập nước...

Riêng sông Đầm đang là vùng sinh cảnh ưu tiên bảo tồn gắn với hình thành bảo tàng thiên nhiên cũng như xúc tiến hoàn thiện hồ sơ để định danh cho khu vực đa dạng sinh học này.

Thách thức từ phát triển đô thị

Thông tin từ Ủy ban Bảo tồn thiên nhiên, ảnh hưởng đa dạng sinh học của Việt Nam chủ yếu đến từ ô nhiễm môi trường.

z5200301218415_8be4b62757aeb77ef1c932b2d54560ad.jpg
Thảm thực vật sông Đầm - vùng đệm xanh của Tam Kỳ. Ảnh: X.H

Trong đó, các mối đe dọa hàng đầu đến từ nguồn thải nông nghiệp và lâm nghiệp (ảnh hưởng tới 298 loài); nước thải sinh hoạt và đô thị (tác động đến 258 loài); nguồn thải công nghiệp và quân sự (ảnh hưởng đến 245 loài). Ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí, rác thải, biến đổi khí hậu... đang đe dọa 236 loài.

Các hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam tiếp tục bị thu hẹp diện tích, xuống cấp về chất lượng, đặc biệt là các hệ sinh thái đất ngập nước, núi đá vôi, bãi bồi cửa sông ven biển... làm mất nguồn cung cấp nước ngầm, nơi sinh sản, phát triển, cư trú của các loài sinh vật. Nhiều loài động thực vật đang đối mặt với những nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.

Ổn định môi trường trong bối cảnh phát triển kinh tế nhanh là một thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Liên hiệp quốc có nhận xét, tốc độ phát triển nhanh kéo theo tốc độ chuyển đổi đất và mở rộng các đô thị.

Thêm nữa, sự hình thành hệ thống cơ sở giao thông và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế làm gia tăng khả năng cách ly giữa các khu bảo tồn.

Dự kiến hơn 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050. Do vậy, sự suy giảm đa dạng sinh học sẽ là vấn đề toàn cầu. Liên hiệp quốc cũng đưa ra lời kêu gọi mỗi quốc gia “trở thành một phần của giải pháp”, bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh như công viên, vành đai xanh, rừng đô thị...

Khơi ý thức bảo vệ thiên nhiên

Giải pháp tốt nhất để sự suy giảm đa dạng sinh học ở đô thị không đi đến mức báo động, theo các chuyên gia môi trường, chính là ý thức về bảo vệ thiên nhiên thông qua các cam kết và nỗ lực từ chính quyền lẫn người dân. Trong mô hình phát triển đô thị bền vững, nhất thiết phải có các tiêu chí về bảo tồn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu.

_q2a6845.jpg
Khu rừng dừa nước Cẩm Thanh - dự kiến sẽ là nơi khai mạc sự kiện Năm Phục hồi đa dạng sinh học Việt Nam 2024. Ảnh: C.S

Cạnh đó, theo các chuyên gia, kiến trúc có thể góp phần thúc đẩy đa dạng sinh học bằng cách tạo ra các môi trường sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - người đoạt giải thưởng quốc tế với công trình Nhà cộng đồng Cẩm Thanh cho biết, cần phát huy một ngôn ngữ “kiến trúc xanh” trong mô hình đô thị bền vững.

Hiện nay, theo ông, những công trình được thế giới ghi nhận đều theo xu hướng kiến trúc bền vững, phát huy yếu tố văn hóa bản địa, đổi mới không gian, cách tân phương thức sử dụng vật liệu địa phương.

Không phải là điều quá xa xôi, đa dạng sinh học trong phố, bắt đầu bằng chuyển đổi sang cơ sở “hạ tầng xanh”, trồng thêm một cây ở sân nhà, góc phố, hay khởi đi từ việc dạy trẻ con biết yêu quý một tiếng chim hót...

LÊ QUÂN