"Khởi động" cùng mùa xuân
Dường như hương xuân góp phần tạo nên chất xúc tác, cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ xứ Quảng, nhiều anh chị em đã có tác phẩm mở hàng đầu xuân ấn tượng…
Rong ruổi cùng tết
Mùng 7 tết, lần thứ hai trong vòng nửa tháng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang lại mang máy ảnh lặn lội tìm về với một bản làng xa ở tỉnh Kon Tum, một trong những nơi hiếm hoi của Tây Nguyên còn lưu giữ được ngôi nhà rông nguyên bản, để chụp ảnh.
Do đã tìm hiểu, quan sát địa hình, cảnh vật, nếp sống của người dân nơi đây trong lần tìm về hồi trước tết nên lần này anh nhanh chóng chọn được những khung hình ưng ý.
Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, anh còn đi sáng tác ở vùng biên giới Nam Giang, ở làng cổ Lộc Yên, tại một số lễ hội mùa xuân và không gian tết ở Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang cho biết, dịp tết, có rất nhiều nơi, nhiều sự kiện, cảnh vật đáng để chụp, nếu không tranh thủ, không chạy đua cùng thời gian thì cơ hội để chộp bắt được những bức ảnh đẹp sẽ vuột mất.
“Tôi không có khái niệm “khai máy” cho năm mới, nhưng việc quyết định bấm máy và có được những bức ảnh ưng ý ngay trong dịp tết với tôi vẫn là một điều gì đó rất có ý nghĩa và thật sự thú vị” - Lê Trọng Khang tâm sự.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho việc “khai bút” nhân dịp năm mới, nhà văn Lê Trâm đã tự mình làm một cuộc du xuân tại nhiều làng mạc, tại một số ngôi chợ quê ở nhiều vùng đất khác nhau của xứ Quảng.
Nhờ cái kiểu đi chậm, nán lại thật lâu và hòa mình vào nhịp sống ở nơi mình đặt chân đến như thế này, Lê Trâm đã có được nhiều bút ký, truyện ngắn rất giàu chi tiết và hầu hết là những chi tiết đắt, sống động, mang đậm hơi thở cuộc sống...
Để nạp thêm năng lượng và làm mới cảm xúc, dịp tết năm nay, họa sĩ Văn Tuấn thực hiện chuyến du xuân cùng người thân đến một số tỉnh miền núi Tây Bắc.
Dù phải liên tục di chuyển, nhưng bằng cảm quan tinh nhạy và góc nhìn riêng có của họa sĩ, anh đã kịp “ghi chép” lại cảm xúc của mình qua một số bức ký họa mực nho và bút sắt...
Đánh thức cảm xúc mới
Vì những lý do riêng, một số văn nghệ sĩ không sắp xếp được lịch trình du xuân phục vụ cho quá trình sáng tác. Thay vào đó, họ chọn cách quây quần bên người thân, gia đình; hoặc tìm đến với bạn bè trong giới văn nghệ để trò chuyện, đàm đạo văn chương, nghệ thuật, chuyện đời sống; chia sẻ cảm nhận về tác phẩm của nhau...
Chính những “điểm đến” quen thuộc ấy lại tạo nên chất xúc tác để cảm hứng thăng hoa. Họa sĩ Hà Châu cho biết, năm nay, anh “khai cọ” bằng cách vẽ chân dung cho người thân, đơn giản là vì anh chợt nhận ra rằng, sợi dây tình cảm quan trọng và trước hết phải là từ gia đình.
“Tôi đang có những dự liệu mới mẻ cho năm mới này, và tôi tin rằng sự xuất phát từ mái ấm gia đình của tôi là đúng” - Hà Châu tâm sự.
Còn với nhạc sĩ Huỳnh Đức Long, sau mấy chuyến “đi gần”, anh đã tình cờ bắt gặp, tìm thấy sự đồng điệu nơi tâm hồn mình với một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Kim Thịnh.
Và ca khúc phổ thơ “Chén xuân” của anh đã được thành hình với nét giai điệu mềm mại, sâu lắng trên nền ca từ man mác và ấm áp hơi xuân: “Hồn nhiên bốn bề lá cỏ/ Em về đất cũng thơm reo/ Sáng bừng chân trời cứu rỗi/ Hoa tươi nở thăm quê nghèo...”.
Với nhiều người làm thơ ở Tam Kỳ, thời điểm và không gian lý tưởng nhất để “khai bút” đầu năm mới không đâu khác chính là đêm thơ Nguyên tiêu diễn ra tại Khổng Miếu.
Từ nhiều năm nay, Hội VHNT TP.Tam Kỳ luôn tổ chức thi sáng tác thơ nhanh tại lễ hội thơ Nguyên tiêu dành cho người yêu thơ, làm thơ chuyên và không chuyên. Trong cuộc thi lần này - dù chỉ diễn ra trong vòng 40 phút, ban tổ chức đã nhận được gần 50 bài thơ.
Tác giả Bùi Ánh Tuyết, người đoạt giải nhất cuộc thi lần này, cho biết những cảm xúc về quê hương, về cảnh sắc mùa xuân dường như đã dồn nén sẵn trong lòng, nên khi được hòa mình vào không gian đẫm chất thơ của lễ hội thơ Nguyên tiêu, từng câu thơ cứ thế tuôn trào.
Bài thơ viết vội, nhờ vậy vẫn mực thước trong niêm luật, đầy đặn, “chín mọng” ý và tình: “Ai mang xuân thả đường quê/ Lung linh sắc thắm đê mê lòng người/ Vòng tay đủ ấm ai ơi/ Tình vừa chín mọng rạng ngời sắc xuân/ Niềm vui dào dạt bâng khuâng/ Ân tình đất cũng tần ngần trổ hoa”.