Nhớ về cội nguồn

Ngẩn ngơ xuyến chi...

LẠI THẾ VŨ 03/03/2024 12:00

Buổi trưa hôm nay, khi đang rảo bước trên những con đường đầy nắng Florida (Mỹ), tôi bất giác ngẩn ngơ vì nhánh hoa xuyến chi trắng ngần mọc ven đường...

ve-dep-cua-xuyen-chi.jpg
Bé mỏng xuyến chi. Ảnh: T.T

Những cánh hoa thuần khiết

Ký ức những ngày ở quê nhà, lang thang dọc con đường làng mọc đầy hoa xuyến chi, phút chốc nôn nao tâm trí.

Xuyến chi là loại hoa không nở theo mùa, cũng không mang dáng vẻ cao quý, hoặc kiêu sa như lan, hồng, mai, đào… Nhưng khi đối diện với loài hoa dân dã này, ai nấy trầm trồ vì vẻ ngoài dịu dàng, bé mỏng của nó. Nhất là khi mùa xuân nắng vàng dịu nhẹ, sắc hoa trắng muốt, tinh khôi.

Thi thoảng, có dịp đi cùng cha, ngắm những bông hoa mỏng manh dưới ánh nắng chiều vàng vọt, tôi hay được nghe lời dạy của người: “Làm người phải học cách kiên cường như loài hoa dại, không cần ai nâng niu, chăm sóc, vẫn giữ được vẻ đẹp sáng trong, dịu dàng với cuộc đời”.

Bài học cha dạy về cách sống ung dung, nhẫn nại vươn lên, bất chấp mọi nghịch cảnh trong đời, kỳ lạ thay, luôn khiến tôi khắc ghi suốt những năm tháng trưởng thành.

Vẻ ngoài mộc mạc, chẳng mấy rực rỡ nhưng xuyến chi lại tiềm tàng sức sống mãnh liệt. Có lẽ do biết phận mình chỉ là loài cỏ dại, nên chúng cứ mải miết xanh, vắt cạn sức mình vươn lên cùng nắng.

Chúng tươi tốt bất cứ nơi đâu, dọc đường làng, triền sông, bờ đê, ruộng lúa hay chỉ cần một vết nứt trên đá. Dù thời tiết có mưa dầm gió bấc hay nắng hạn khô cằn, xuyến chi vẫn bình thản nở hoa rực rỡ.

Món ăn từ cỏ dại

Không đơn thuần một loài hoa đẹp, xuyến chi còn dùng để chế biến các món ăn thơm ngon. Theo lời mẹ tôi kể lại, từ xa xưa, người dân ở quê đã thích dùng ngọn hoa xuyến chi để chế biến thức ăn. Hai món ăn được yêu thích nhất là ngọn xuyến chi xào tỏi và canh xuyến chi.

Mẹ tôi nói, cách chế biến hai món ăn này vô cùng đơn giản. Do ngọn xuyến chi có vị hăng nên trước khi nấu, người đầu bếp thường có thói quen luộc qua nước sôi để giảm bớt mùi hăng hắc này.

Để chế biến món ngọn xuyến chi xào tỏi, thường phải phi tỏi cho thơm, sau đó nhẹ nhàng cho ngọn xuyến chi đã luộc qua và xào cùng, nêm nếm gia vị cho vừa rồi cứ thế nhanh tay đảo đến chín là được. Nếu muốn thơm ngon hơn, nhiều gia đình... có điều kiện còn xào cùng thịt bò để món ăn thêm phần đậm đà.

hoa-xuyen-chi-5-1-.jpg
Xuyến chi được dành chế biến nhiều món ăn dân dã, mộc mạc. Ảnh: Minh họa

Riêng với món canh xuyến chi thịt băm, mẹ tôi thường cho thịt băm vào xào qua để săn lại, sau đó đổ thêm ít nước vào đun sôi. Kết hợp chút gia vị rồi nhanh tay cho ngọn xuyến chi đã luộc qua vào nấu cùng cho đến khi canh chín.

Cả hai món ăn này, khi thưởng thức trong bữa cơm, đều mang đến dư vị bùi, hơi đắng và hăng, gây cảm giác hơi lạ nếu bạn là người lần đầu tiên thử chúng.

Tuy nhiên, nếu quen thuộc dần với món này, ta sẽ thấy chúng mang hương vị ngon riêng biệt, gây thương nhớ cho những lần thưởng thức sau.

Vị trà trong sắc trắng

Ngoài việc có thể chế biến thành thức ăn, xuyến chi còn được dùng như một vị trà. Sau khi phơi khô xuyến chi, bà con quê tôi tận dụng nó như thức uống giúp thanh mát, giải nhiệt cơ thể.

Những ngày đẹp trời, chỉ cần cho một nắm hoa khô vào cốc, tráng qua một lượt để loại bỏ bụi và phần nhụy hoa, rồi thong thả đổ nước vào lần hai.

Lúc này, chỉ cần chờ khoảng 5 phút cho trà ngấm là có thể thưởng thức. Nhà tôi ở quê bao giờ cũng có sẵn hoa xuyến chi phơi khô dùng để dành cho những buổi trà chiều và mời những vị khách đến từ phương xa.

Nhiều năm trôi qua, tôi dần trưởng thành, rời xa quê nhà đến xứ người lập nghiệp. Những ngày mùa xuân ở nước Mỹ xa xôi, thấy lòng chơi vơi như trẻ thơ, tôi hay ngồi lặng im giữa triền hoa trắng.

Lòng vẫn mong nhớ sắc trắng tinh khôi của hoa xuyến chi, nhớ những món của khó nghèo quê mẹ. Ngoài cánh đồng xa, gió vẫn hát trên đồng và xuyến chi vẫn ngời lên màu nắng ấm.

LẠI THẾ VŨ