Hai văn bản trả lời cử tri Quảng Nam của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý xây dựng nhà ở không mâu thuẫn nhau
Bộ Xây dựng vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri Quảng Nam gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về việc đề nghị ban hành quy chế quản lý xây dựng nhà ở tại khu vực nông thôn.
Theo ý kiến cử tri, năm 2021, Bộ Xây dựng ban hành 2 công văn (Công văn số 5119 ngày 10/12/2021 và Công văn số 5426 ngày 28/12/2021) trả lời cùng một kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam về việc đề nghị ban hành quy chế quản lý xây dựng nhà ở tại khu vực nông thôn (khu vực được miễn giấy phép xây dựng) để tăng cường quản lý việc sử dụng đất, quản lý nhà ở của người dân; tuy nhiên, nội dung trả lời của Bộ Xây dựng tại 2 công văn là khác nhau.
Cụ thể: Công văn số 5119 trả lời nội dung kiến nghị này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; Công văn số 5426 thì lại trả lời Bộ Xây dựng ghi nhận kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Nam để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở. Do đó, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại 2 công văn nêu trên và trả lời thỏa đáng.
Bộ Xây dựng cho rằng ngày 2/11/2021, bộ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo văn bản số 418/BDN.
Nội dung kiến nghị: “Đề nghị xem xét ban hành quy chế quản lý xây dựng nhà ở tại khu vực nông thôn (khu vực được miễn giấy phép xây dựng) để tăng cường quản lý việc sử dụng đất, quản lý nhà ở của người dân”.
Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời số 5119 ngày 10/12/2021. Trong đó, đã vận dụng quy định tại khoản 4 Điều 56 Nghị định số 15 ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng để trả lời.
Theo đó đã khẳng định trách nhiệm chung của UBND cấp tỉnh trong việc ban hành quy chế quản lý kiến trúc tại khu vực nông thôn.
Văn bản trả lời số 5426 ngày 28/12/2021 của Bộ Xây dựng tập trung nghiên cứu các công cụ quy phạm pháp luật cụ thể về nhà ở để trả lời cử tri, do đó đã ghi nhận kiến nghị của cử tri để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở. Vì vậy nội dung của 2 văn bản trả lời là không mâu thuẫn nhau, có tính tiếp nối, gắn kết và cùng để xử lý một vấn đề.