Gánh cá mắm nuôi lính biên phòng
(QNO) - Sau những đổng cát trắng là ngôi nhà Đại đoàn kết của “má nuôi” Phạm Thị Hồng (SN 1963, thôn Vịnh Giang, xã Bình Nam, Thăng Bình), nơi lưu giữ bao kỷ niệm với nhiều thế hệ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam.
Trong gian bếp nhỏ, tiếng bà Hồng vang vọng câu hò tự mình sáng tác: “Vùng Đông quê mẹ ta ơi, lửa thiêng truyền thống sáng ngời vinh quang/ Vùng Đông tôi rất huy hoàng, bao nhiêu năm kháng chiến, gian nan với quân thù…”. Bước sang tuổi xế chiều, những vết chân chim đã hằn sâu nơi đuôi mắt, nhưng trên khuôn mặt bà luôn rạng rỡ nụ cười. Người phụ nữ này còn được lính biên phòng xứ biển gọi là “chị 3”, là “má nuôi”.
Từ năm 15, 16 tuổi, ba mẹ mất, bà Hồng đã phải gồng gánh cho gia đình chỉ còn 3 chị em nương tựa. Nhưng cũng từ đó, ngôi nhà nhỏ sát biển của bà trở thành nơi ăn, chốn ở, lưu dấu chân của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Minh.
“Những năm 1976, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Thương những người lính biên phòng vất vả khi công tác tại địa phương, dẫu hoàn cảnh chẳng mấy khấm khá, nhưng bán được con cá khô, ít nước mắm, tôi đều dành dụm nuôi quân. Những bữa cơm của mấy chị em tuy đạm bạc, cơm trắng với cá mắm, ngọn rau lang mà nghĩ lại thời ấy vẫn thấy vui” - má Hồng nghẹn ngào hồi tưởng.
“Nhắc đến "má Hồng" ở Bình Nam thì BĐBP chúng tôi ai cũng biết. Với truyền thống gia đình cộng sản, ba là liệt sĩ, chú tham gia hoạt động cách mạng, đặc biệt là tấm lòng thương bộ đội biên phòng của "má Hồng", nhà má trở thành tổ chức công tác địa bàn của BĐBP Bình Minh”.
Thiếu tá Lê Đình Tín - cán bộ Đồn Biên phòng Bình Minh.
Theo chân bà Hồng xuống căn bếp đượm mùi mắm biển, bà kể hồi trẻ, tháng tầm 3 - 4 lần, đi bán cá khô, mắm quê nhà làm tận trên chợ huyện Phú Ninh. Gánh bộ cách nhà gần 40 cây số, mấy người lính thương chị bán buôn đường xa, lúc rảnh rỗi vẫn thường hay bảo: “Chị 3 ạ, để bọn em chở hàng lên chợ giúp chị!” Được nhiều người mến, gánh hàng bán trong ngày cũng xong, thu nhập mỗi chuyến cũng vài triệu đồng.
Những ngày vắng cá mắm, bà Hồng ở nhà nấu nướng, giặt giũ cho đoàn lính trẻ có khi lên tới 15 - 18 người. Không chỉ thế, lúc xuân xanh, bà hoạt động đoàn sôi nổi. Tham gia phong trào phụ nữ, từ Chi hội trưởng thôn nhà tới Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nam. Và đến bây giờ, người phụ nữ ấy vẫn nhiệt huyết với các phong trào địa phương.
Đang chuyện trò, bỗng tiếng chuông điện thoại của bà Hồng vang lên: “Chị 3 dạo này khỏe không, còn bán cá mắm không chị?”. Đó là lời thăm hỏi của Đại tá Trần Tiến Hiền - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Nam, người cán bộ biên phòng đã gắn bó gần 5 năm với mái nhà tranh tre lụp xụp của "má Hồng".
Từ thời Đại tá Hiền còn là kiểm soát viên tàu thuyền trên vùng biển Thăng Bình, "má Hồng" đã nuôi nấng ông. Cái nếp sống chân quê, thương dân, yêu nước của người lính biên phòng đó khiến bà Phạm Thị Hồng nhớ mãi những kỷ niệm. Đến tận bây giờ, người con Phú Thọ ấy vẫn thường tới lui, ân cần hỏi thăm "má Hồng".
Với những đóng góp lớn lao của bà Phạm Thị Hồng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”, Chính ủy BĐBP Quảng Nam tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới và xây dựng BĐBP.
Kỷ niệm 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân, năm 2009, BĐBP Quảng Nam đã chung sức xây dựng "Mái ấm biên cương" khang trang cho bà Hồng. Cái móng nhà bộ đội biên phòng Quảng Nam ở khi xưa bag Phạm Thị Hồng vẫn còn giữ, là “điểm hẹn” của những người lính mỗi khi có dịp về Thăng Bình công tác.