Văn hóa

"Mắt ảnh" của tôi

ĐẶNG KẾ ĐÔNG 05/03/2024 14:30

(VHQN) - Thời thơ ấu, tôi được sống và lớn lên trong một ngôi nhà cổ của Hội An. Nếu để hình dung nhanh về ngôi nhà xưa cũ ấy, điều tôi nghĩ đến đầu tiên - là bậc thềm, ngạch cửa và phía trên luôn có đôi mắt cửa...

02.-mat-cua-nha-co-duc-an-129-tran-phu-.jpg
Mắt cửa nhà cổ Đức An (129 Trần Phú).

Đứa trẻ là tôi khi ấy, mỗi lúc tựa cửa nhà mình nhìn ra, những đôi mắt cửa phía các nhà đối diện như nhìn lại để chuyện trò.

Ký ức tôi còn có một “khoảng sân và góc trời”. Đó là khoảng giếng trời nằm ngay trung tâm ngôi nhà. Ở đó, một giếng nước trong mát, một hồ cá nhỏ có hòn non bộ xanh rêu được phủ bóng cây kiểng gần như trở thành mặc định với vuông sân giữa của nhà cổ.

01.nhung-doi-mat-cua-hap-dan-du-khach-yeu-van-hoa-hoi-an.jpg
Những đôi mắt cửa hấp dẫn du khách yêu văn hóa Hội An.

Cứ tầm hơn 2 giờ chiều, lúc mặt trời xế bóng, thi thoảng có con cá quẫy, con mèo uống nước hay cơn gió nồm mát rượi thổi lùa xuống sân.

Bóng nước xao động, phản chiếu vào những cột kèo và bức tường trong ngôi nhà những vũ điệu ánh sáng lung linh. Tôi đã bao lần thích thú chiêm ngưỡng hình ảnh này.

Đã có rất nhiều bài nghiên cứu về ý nghĩa “mắt cửa” và “giếng trời” ở nhà cổ phố Hội. Nhưng cư dân Hội An có những nếp nghĩ riêng.
Với mắt cửa, người Hội An luôn xem là linh vật.

Nó có thể nhìn thấu suy nghĩ và hành động thiện ác, tạo tâm lý răn đe và khuyến thiện đối với người khách đến nhà. Trong khi với người nhà, đôi mắt cửa như dõi theo mỗi người khi đi ra hay quay trở về, luôn nhắc nhở phải gìn giữ sự lương thiện và tốt đẹp của gia phong.

11.-du-khach-nghi-chan-trong-mot-khong-gian-gieng-troi-va-tim-hieu-ve-van-hoa-hoi-an-80-tran-phu-.jpg
Du khách nghỉ chân trong không gian giếng trời và tìm hiểu về văn hóa Hội An (80 Trần Phú).

Giếng trời lại là nơi con người gần hơn với tự nhiên. Người Hội An sử dụng không gian này để thư giãn và chiêm nghiệm cuộc sống.

Từ người thân trong gia đình cho đến từng vị khách vào nhà, ở không gian này tâm tình dễ tạo tâm lý cởi mở, gần gũi nhau hơn so với trong mâm ăn hay trên phòng khách.

Hình như, chính những ký ức cùng các khoảnh khắc trong căn nhà cũ phố Hội là “mắt ảnh” đầu tiên để tôi bây giờ là nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông...

Người níu hồn phố cổ

Đặng Kế Đông được giới chơi ảnh cả nước đặt biệt danh "người níu hồn phố cổ". Ông tạo cho riêng mình chỗ đứng với nghệ thuật nhiếp ảnh từ chính không gian phố Hội. Đặng Kế Đông cũng là một trong những người chơi ảnh nghệ thuật đầu tiên tại Hội An từ những thập niên 1980.

z5167335548300_9d190e6983639c4db2a07985cdd11739.jpg
Tác phẩm Duyên thầm của Đặng Kế Đông chụp tại không gian giếng trời của nhà cổ.

Ảnh nghệ thuật của ông phản ánh các chiều kích văn hóa khác nhau của Hội An. Từ những mái nhà đọng hàng thế kỷ sương mưa, những mảng tường rêu phủ, những đầu hồi nhà, những ngọn đèn đêm chao đưa trong phố cổ hay các quang gánh trong những con hẻm phố Hội đều trở thành khoảnh khắc sống động… trong ảnh của Đặng Kế Đông.

Đối với các chi tiết mắt cửa và giếng trời, Đặng Kế Đông ghi dấu với những tác phẩm đặc biệt. Đầu những năm 90, "Bến lạ" - tác phẩm bắt lấy khoảnh khắc của chiếc ghe đậu dưới mắt cửa nhà cổ Tấn Ký vào mùa lụt của Hội An đã được chọn để tham gia triển lãm ảnh tại TP.Hồ Chí Minh. Đây là tấm ảnh đầu tiên dẫn dắt Đặng Kế Đông vào con đường chụp ảnh nghệ thuật.

Năm 2005, tác phẩm "Duyên thầm" - mô tả khoảnh khắc cùng ánh sáng tại không gian giếng trời của một ngôi nhà cổ đã mang về Huy chương Bạc cho Đặng Kế Đông tại Triển lãm ảnh quốc tế do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức.

Cũng từ Đặng Kế Đông, hầu như các nghệ sĩ nhiếp ảnh của xứ Quảng và cả nước sau này đều có cho riêng mình những tác phẩm ảnh nghệ thuật về không gian văn hóa phố Hội... (XUÂN HIỀN)

ĐẶNG KẾ ĐÔNG