Truyện ngắn

Thềm xuân có ngoại ngồi chờ

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN 06/03/2024 15:39

(VHQN) - Hùng vỗ vai Phong trong bữa tiệc tất niên “mùng 1 đi phượt săn mây với tụi tao không, năm nào tết cũng chừng đó mà về làm gì, chán òm”.

them-xuan-co-ngoai-ngoi-cho.jpg
Minh họa: HIỂN TRÍ

Phong lắc đầu, cười từ chối. Hễ năm mới là Hùng lại khoe những tấm hình du xuân bằng xe máy trên đỉnh đồi chùng chình mây hay một ghềnh đá nào đó xa tít.

Còn Phong, chỉ trông hết ngày làm cuối rồi vội vã khoác ba lô ra sân bay về quê. Sân bay cuối năm ùn ứ, lô nhô kẻ đứng người ngồi. Ai ai cũng dán mắt lên cái màn hình nhấp nháy thông báo chuyến bay.

Cận tết, ngày nào ngoại cũng gọi điện, hỏi Phong thèm dưa món, củ kiệu, thèm bánh in hay bánh nổ để ngoại làm. Năm ngoái đang trên máy bay thì ngoại gọi, khi máy bay đáp Phong thấy mấy chục cuộc gọi nhỡ.

Ngoại cười móm mém, đâu biết trên trời không có sóng. Hồi nhỏ, ngoại hay ngồi ngoài hiên chỉ Phong học bài. Phong đọc bài mà ngó trời ngó đất, hễ thấy chiếc máy bay nào trên bầu trời là ba chân bốn cẳng chạy ra xem. Máy bay nhỏ xíu giữa mênh mông mây trắng, Phong phải khum bàn tay, nheo nheo đôi mắt mới thấy.

Rồi khi máy bay mất hút, Phong buồn buồn nói khi nào con được đi máy bay hả ngoại? Ngoại vuốt vuốt tóc Phong bảo, cứ học giỏi rồi sẽ đi cùng trời cuối đất. Bây giờ Phong như cơn gió, hàng tháng cứ phải bay đến tỉnh này tỉnh kia khảo sát công việc đến mệt nhoài.

Xếp hàng trước Phong khi làm thủ tục có người đàn bà lóng ngóng với chiếc ba lô xộc xệch trên vai. Chị nhấp nhổm không yên, chốc chốc lại mở ba lô lấy giấy tờ ra kiểm tra coi có đầy đủ chưa rồi lại nhét vào.

Chị quay lại hỏi Phong đủ điều, rồi lại đưa đôi bàn tay chai sần móc giấy tờ hỏi Phong chừng này là người ta cho mình lên máy bay phải không chú? Gương mặt chị sáng lên khi biết mình và Phong cùng chuyến. Đây là lần đầu tiên chị đi máy bay.

Chị nói tiếc tiền lắm chứ, gần chục triệu đồng cả về lẫn vô lại. Rồi chị tặc lưỡi, trên thành phố chị đang trông một cụ già, chủ nhà chỉ cho chị nghỉ có 6 ngày, ngồi xe đò ra vô mất hết hai ngày rồi nên chị đi máy bay cho nhanh để về với con.

Phong ngồi cạnh chị trên máy bay. Chị bám chặt tay Phong khi máy bay cất cánh, lả người nói tưởng đi máy bay không mệt, ai ngờ còn đuối hơn xe đò.

Khi Phong vỗ nhẹ vào vai bảo chị máy bay sắp đáp, mắt chị sáng rực lên: “Vậy hả em, cỡ một tiếng nữa chị gặp con rồi. Tội nghiệp, chừ chắc ngồi dưới ngõ đợi má rồi!”. Phong đứng nhìn theo bóng chị tất tả khoác ba lô trong đám người cuối năm vội vã trở về.

Ngoại chưa từng đi máy bay. Ngoại hỏi Phong cảm giác ngồi trên máy bay có giống ngồi xe đò không con, có bị xóc, có say sóng, ghế ngồi có êm không? Rồi khi bay qua những vùng mây trắng xóa thấy mây thế nào? Thật khó để diễn tả cho ngoại hiểu.

Cả cuộc đời ngoại chỉ có vài lần ngồi xe đò ra thị trấn, đường hồi đó đầy đá, chiếc xe đò cũ mèm chất đầy hàng nghiêng bên này ngả bên kia.

Ngoại nói ngày vắng Phong ngoại cũng hay ngó lên những chiếc máy bay bé xíu bay ngang vùng trời nhà mình, biết đâu trong những chuyến bay đó có Phong. Phong nói để khi nào con dắt ngoại đi máy bay một lần cho biết. Ngoại lắc đầu, giờ đi ra đầu làng đã muốn hụt hơi rồi còn đi đâu xa nữa.

Ngồi trên máy bay, Phong biết ngoại sẽ chống gậy đi xuống đi lên con dốc mấy chục bận để ngóng Phong. Rồi khi mỏi chân quá, ngoại sẽ ngồi ngay bậc cửa vừa bóp chân vừa ngó xuống ngõ.

Con ngõ cong cong, hai bên rập rờn vạn thọ. Ngoại ngồi ngóng mãi cho đến khi con chó Trập ngoáy tít đuôi chạy ra mừng, mắt ngoại hấp háy, giọng ngoại rưng rưng: “Cha bây, chừ mới về đó hả?’’. Từ hồi Phong bay chuyến đầu tiên xa nhà cho đến tận bây giờ, hơn mười năm trời, tết nào ngoại cũng ngồi hiên nhà ngóng Phong như thế.

Thỉnh thoảng má lại bàn với mấy cậu chuyện sửa nhà cho ngoại. Mỗi lần nghe sửa nhà là ngoại lắc đầu, không sửa sang chi hết. Ngoại già rồi, ở có bao nhiêu đâu, với lại căn nhà gỗ ni gắn bó với ngoại từ hồi mới về nhà chồng, rồi sinh con đẻ cái, rồi chứng kiến từng đứa cháu lớn lên. Chừ xây lại giống như ở nhà người khác, ngoại không quen.

Ngôi nhà gỗ nằm dưới mấy tán cau vẫn y nguyên những ngày Phong còn lẫm chẫm. Ngay cánh cửa gỗ còn hằn lại mấy dấu gạch ngang. Cứ mỗi bận tết, ngoại sẽ ngoắt Phong lại đo xem cao hơn năm ngoái chừng nào và để lại trên cửa một dấu gạch ngang. Dấu mới cao hơn dấu cũ, vừa đo ngoại vừa xuýt xoa cháu ngoại mau lớn quá chừng.

Bây giờ ngoại vẫn ngồi ngay bậc cửa lượm những hột lúa còn sót lại trong gạo trước khi nhen lửa nấu bữa cơm chiều. Lưng ngoại đã còng, tóc ngoại trắng như sương. Năm nay ngoại đã sang tuổi 92 rồi mà dáng ngồi vẫn y chang trong ký ức Phong. Hồi còn khỏe, giáp tết ngoại sẽ trải chiếu ngay hiên nhà ngồi gói bánh tét, bánh rò.

Phong ngồi bên bắt chước gói theo. Ngoại chỉ từng chút một mà chiếc bánh Phong gói vẫn lòi cả nếp, lỏng leo chứ chẳng thể tròn đều như bánh của ngoại.

Nay ngoại già chẳng gói bánh nữa nhưng cứ đến ngày là nhắc chừng má ra vườn giật lá chuối, ngâm nếp cho kỹ. Phong nghĩ ngoại thật lạ kỳ khi giữ nguyên một nếp sống qua mấy mươi năm, rồi giữ cho đời con đời cháu. Ngoại cười, có rứa thì tụi bây mới có cái để nhớ, để về.

Sáng mùng Một, ngoại thảnh thơi ngồi nhai trầu ngó mông lung ra cội mai già. Năm nay nắng ấm, mai bung nở vàng ươm loang hương trong gió thơm lừng. Năm nào người ta cũng vào trả giá cội mai, năm sau cao hơn năm trước mà ngoại không bán. Ngoại nói trồng một cái cây mất cả đời người, sao đành bứng lên bán cho người khác.

Ngoại lần trong túi áo, lấy ra phong bao đỏ chót lì xì cho Phong. Ngoại xoa đầu Phong như ngày còn bé bỏng. Ngoại hỏi chừng nào bây đi. Phong nói mùng 5 phải bay sớm cho kịp công việc. Ngoại gật đầu, đi đi rồi mỗi tết quay về với ngoại, nghe chưa!

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN