Những phụ nữ sống đẹp
Miệt mài với công tác thiện nguyện, nhiều tấm gương phụ nữ đã truyền cảm hứng tích cực, lan tỏa lối sống đẹp trong cộng đồng.
Nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Thương (ngụ khối phố Mỹ Xuyên, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) luôn dành nhiều tâm huyết và công sức cho các hoạt động thiện nguyện.
Cô Thương nhớ lại: “Tốt nghiệp trung cấp Sư phạm Tiểu học năm 1987, tôi tình nguyện lên huyện miền núi Nam Giang dạy học. Lúc đó, điều kiện vô cùng thiếu thốn. Tình yêu nghề thôi thúc tôi không quản ngại cõng chữ về miền rẻo cao Trường Sơn”.
Năm 2019, cô Thương rời bục giảng, dành phần lớn thời gian cho việc thiện nguyện, bởi trải qua thời gian dài bám bản làng gieo chữ, cô đồng cảm với người nghèo, muốn lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng.
Có những trường hợp cần sự giúp đỡ lớn như anh Nguyễn Văn Hiếu bị tai nạn giao thông phải mổ tốn hơn 100 triệu đồng; anh Lê Trung Phong bản thân bị bệnh, mẹ nằm một chỗ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng… đều được cô Thương kêu gọi giúp đỡ về vật chất, thăm hỏi động viên tinh thần.
Ngoài ra, cô Thương cùng bè bạn, người thân, học trò hơn 10 lần tình nguyện lên vùng cao hỗ trợ nhu yếu phẩm, nấu suất ăn cho học sinh với số tiền hơn 45 triệu đồng/năm.
Tết Giáp Thìn 2024, cô Thương vận động nhà hảo tâm trao 126 suất quà (mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng) hỗ trợ người già, neo đơn ở khối phố Mỹ Xuyên; trao 40 suất quà (400 nghìn đồng/suất) tặng trẻ em thôn La Bơ (xã Chà Vàl, Nam Giang).
Cô Thương cũng là một trong những cá nhân tích cực góp phần bồi đắp phong trào hiến máu tình nguyện của huyện.
Hơn 5 năm qua, mỗi trường hợp cần giúp đỡ, cô Thương đến tận nhà xác nhận thông tin, đăng lên mạng xã hội, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo hoàn cảnh. Nhờ uy tín, công khai minh bạch, có sự chứng kiến của cơ quan chức năng, mọi người đặt niềm tin tuyệt đối, đóng góp ngày càng nhiều.
Đều đặn, ngày mùng 9 và 23 âm lịch hằng tháng, cùng với Phật tử chùa Viên Minh, chị Trương Thị Tuyết (xã Sơn Viên, Nông Sơn) tổ chức chương trình “Bữa cơm nghĩa tình” cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn. Chị còn đến nhà cụ bà, cụ ông không nơi nương tựa nấu ăn, dọn dẹp, san sẻ vui buồn.
Mỗi chương trình “Bữa cơm nghĩa tình”, ngoài kêu gọi sự chung tay chị Phan Thị Hồng Hạnh đóng góp 1,5 triệu đồng để duy trì bữa cơm và âm thầm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Chị Hạnh cho biết: “Tuổi thơ tôi trải qua trong cơ hàn nên thấu hiểu hoàn cảnh của người nghèo. Hiện tại thu nhập tương đối ổn định, tôi muốn san sẻ một phần khó khăn với người kém may mắn”.