Ngư dân Quảng Nam đối diện mùa biển khó
Chi phí đầu vào tăng cao, trữ lượng hải sản giảm, bấp bênh đầu ra là những khó khăn ngư dân Quảng Nam đang phải đối diện trong mùa biển mới này.
Chi phí tăng, trữ lượng giảm
Ngư dân Hoàng Văn Thơ (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu câu mực khơi QNa-94097 vừa cùng 50 bạn biển vươn khơi đánh bắt hải sản đầu năm.
Ông Thơ cho biết, chuyến biển 2-3 tháng ở ngư trường Trường Sa cần hơn 35 nghìn lít dầu diesel tốn gần 750 triệu đồng, chưa kể chi phí nhu yếu phẩm.
“Qua thực tế đánh bắt cho thấy trữ lượng mực xà ngày càng giảm. Năm ngoái tôi đi 4 chuyến biển thu chỉ đủ bù chi. Nghe tư thương nói mực xà năm nay giảm đến 30 nghìn đồng/kg, chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng/kg mực xà khô. Mong chuyến biển đầu năm này suôn sẻ” - ông Thơ nói.
Các ngư dân theo nghề lưới vây cho biết, chuyến biển ở ngư trường Hoàng Sa diễn ra khoảng 20 ngày. So với năm ngoái, giá dầu diesel tăng nhẹ, giá lương thực, thực phẩm, đá cây, gas tăng mạnh. Chi phí mỗi chuyến biển tăng hơn trước hàng chục triệu đồng, trong khi đó, giá cá ngừ, các nục, cá chim, cá sòng… lại giảm.
“Nghề biển vất vả mấy tôi cũng theo. Lo ngại lớn nhất của ngư dân là lỗ tổn. Tôi có thể chịu lỗ một vài chuyến biển chứ bạn biển không có thu nhập ở mỗi chuyến biển là chuyển theo tàu cá khác ngay” - ngư dân Trương Văn Ân (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-90394 cho biết.
Một số chủ tàu cá khai thác hải sản xa bờ của Quảng Nam vì kinh tế còn khó khăn nên phải ứng trước của đầu nậu, tư thương để trang trải chi phí cho chuyến biển và ứng trước cho lao động.
Khi về bờ, chủ tàu cá phải bán hải sản lại cho tư thương, đầu nậu nên không hiếm lần bị ép giá bán. Trong khó khăn, nhiều tàu cá theo nghề lưới vây, lưới chụp, lưới rê hỗn hợp 3 lớp phải hoạt động cầm chừng.
Cũng đã có nhiều chủ tàu theo nghề lưới vây trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi nghề sang câu cá hố, lưới cá chuồn, đồng thời chuyển từ ngư trường xa bờ sang tuyến lộng để giảm chi phí chuyến biển.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, bức tranh nghề cá nhiều năm qua ảm đảm vì suy giảm nhanh về trữ lượng, nguồn lợi, đặc biệt là cả cá nổi và cá tầng đáy.
Nếu không triển khai các giải pháp phục hồi, tái tạo, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi để khai thác bền vững thì tương lai không xa trữ lượng hải sản sẽ cạn kiệt, khi đó sẽ không đủ nguồn lực, kinh phí để phục hồi.
Đồng hành với ngư dân
Ông Nguyễn Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành) cho biết, cùng với động viên ngư dân tiếp tục bám biển xa bờ, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thông báo diễn biến thời tiết trên biển, hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển theo mô hình tổ, đội sản xuất trên biển.
Khuyến khích ngư dân bám sát ngư trường, phát hiện ngư trường mới có nhiều luồng hải sản hoạt động để tăng năng lực khai thác hải sản. Xây dựng phương án kết nối sản phẩm khai thác với các cơ sở thu mua nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân.
Đáng mừng là đến nay, một số cơ sở chế biển hải sản tại xã đã kết nối, thu mua mực xà ngư dân khai thác được để chế biến, xây dựng sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đơn vị vẫn đang đồng hành với ngư dân thông qua nhiều hoạt động.
Theo đó, kịp thời thông tin dự báo ngư trường; đẩy nhanh thẩm định kinh phí hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành thủy sản khuyến khích các chủ tàu khai thác xa bờ lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm hải sản sau thu hoạch bằng bột xốp Polyuethane (PU), lót hầm tàu cá bằng inox để giảm hao tổn, bán hải sản được giá.
“Chi cục khuyến khích các tàu cá ứng dụng tiến bộ khoa học như máy tời thủy lực, đèn led, trang bị máy dò ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc tầm xa để nâng cao năng lực đánh bắt hải sản.
Chúng tôi khuyến cáo ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, mô hình tàu mẹ - tàu con để tương trợ nhau khai thác hải sản tốt hơn và thực hiện hậu cần nghề cá, giảm chi phí, tăng hiệu quả lao động” - ông Long nói.