Xã hội

"Mẹ hiền" của những trẻ em khuyết tật

NG.QUỲNH - PH.HẢI 07/03/2024 15:46

(QNO) - Nuôi dạy những đứa trẻ bình thường đã khó, nuôi dạy trẻ khuyết tật còn khó hơn nhiều lần. Nhưng bằng tình yêu thương, các bảo mẫu ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Phú Ninh đã kiên trì, lặng lẽ chăm sóc những hạt giống tâm hồn không được lành lặn.

1.jpg
Cơ sở hạ tầng hiện tại được sử dụng lại từ Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh cũ. Ảnh: H.Q

Tình yêu thương dẫn đường

Những ngày đầu tháng 3/2024, chúng tôi đến thăm Cơ sở phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật tại khối phố Tam Cẩm, thị trấn Phú Thịnh (Phú Ninh). Đây là nơi nuôi dưỡng và tập vật lý trị liệu cho hơn 60 trẻ em bị khiếm khuyết riêng như: tay chân khó vận động, khiếm thính, bại não… Các em ở độ từ 1-18 tuổi, và đến từ các xã lân cận trên địa bàn huyện Phú Ninh.

Thấy khách đến thăm, một nhóm trẻ vội chạy tới khoanh tay chào đón và cười tươi một cách hồn nhiên. Bảo mẫu Lê Thị Lý (SN 1965) trực tiếp quản lý tại cơ sở cho biết, trước đây, bà làm cán bộ Hội chữ thập đỏ xã Tam Phước, sau khi nghỉ hưu về đứng nhận nuôi dạy những đứa trẻ khuyết tật từ năm 2010 đến nay.

2.jpg
Nhiều trẻ em ở đây bị bại não do di truyền từ chất độc màu da cam. Ảnh: H.Q

Ban đầu cơ sở có 11 cô trực tiếp nuôi dưỡng và tập vật lý trị liệu cho các em, do nhiều yếu tố khách quan nên phần lớn đã nghỉ việc và đến nay chỉ còn 2 cô quản lý nhóm trẻ.

“Tôi làm ở đây không có lương tháng, chỉ nhận tiền hoa hồng từ các nhà hảo tâm hỗ trợ vừa đủ xăng xe. Mặc dù công việc chăm sóc trẻ có phần vất vả, đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn và tình yêu thương bọn trẻ.

8.jpg
Cô giáo như mẹ hiền. Ảnh: H.Q

Khi về làm việc tại đây, tôi luôn xem các cháu như con ruột trong nhà nên chăm sóc tận tình, chu đáo. Nụ cười, cử chỉ và những tiến triển mỗi ngày của các cháu là niềm vui dành cho mình. Tôi mong một ngày nào đó, các cháu có thể nhận thức, tự lập để đỡ đi phần nào gánh nặng cho gia đình là may mắn rồi” – bảo mẫu Lý trải lòng.

[VIDEO] – Bảo mẫu Lê Thị Lý làm việc tại Cơ sở phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Phú Ninh trải lòng:

Tương tự, bảo mẫu Phan Thị Kim Dung (SN 1966) cũng từng là cán bộ Hội chữ thập đỏ xã Tam Vinh, sau khi nghỉ hưu cô cũng chọn về cơ sở để nuôi dưỡng trẻ khuyết tật trong những năm tháng của tuổi xế chiều.

Cô Dung cho hay, dù cơ sở vật chất được nhà hảo tâm và chính quyền địa phương quan tâm xây dựng kiên cố, song kinh phí lo cho trẻ hằng ngày còn gặp nhiều khó khăn.

4.jpg
Một trong những bài tập vật lý trị liệu cho trẻ tay chân khó vận động. Ảnh: H.Q

“Về đây công tác gần 14 năm, tôi chăm sóc, tập cho các cháu từng động tác nhỏ để sớm hồi phục. Thương nhất là các cháu bại não, mỗi khi bồng bế tụi nó mà mình không cầm được nước mắt. Quá trình nuôi dạy các cháu từ lúc nằm một chỗ cho tới khi chập chững đi lại vô cùng vất vả, nhưng niềm vui an ủi là chứng kiến các cháu tiến triển cả thể chất lẫn tinh thần”

Bảo mẫu Phan Thị Kim Dung

Cần thêm sự quan tâm

Được biết, cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật Phú Ninh được thành lập năm 2010. Các em bị khuyết tật đến cơ sở để nuôi dưỡng và tập vật lý trị liệu khoảng 3 năm được hồi gia, nhưng cũng có nhiều trường hợp vì bệnh quá nặng phải ở lại cơ sở đến khi trưởng thành.

5.jpg
Để tiết kiệm chi phí, phụ huynh cùng các cô giáo nấu ăn bằng bếp củi. Ảnh: H.Q

Hằng ngày, các em được phụ huynh đưa đến và ăn ở lại tại cơ sở, đến cuối giờ chiều thì đón về nhà. Kinh phí để chăm sóc và nuôi dưỡng cho trẻ được các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tài trợ như gạo, tả, bỉm, sữa và các loại gia vị nấu ăn…

6.jpg
Một bửa cơm trưa tập thể tại trung tâm. Ảnh: H.Q

Trung bình mỗi ngày để mua thức ăn cho nhóm trẻ cô Lý chắt chiu khoảng 200 nghìn đồng từ ngân sách để đi chợ. Để tiết kiệm thêm, cô Lý cùng các phụ huynh đã trồng thêm các loại rau củ trên khuôn viên đất trống xung quanh cơ sở, vừa giảm bớt chi phí vừa đảm bảo nguồn rau sạch cho các cháu.

3.jpg
Rau củ sạch được trồng khắp khuôn viên cải thiện bữa ăn và tiết kiệm được kinh phí mua thực phẩm hằng ngày. Ảnh: H.Q

Ông Trần Quốc Sự - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Ninh cho biết cũng nhờ sự nuôi dưỡng tận tình, chu đáo của những bảo mẫu mà nhiều em đã hồi phục chức năng và thành đạt trong cuộc sống, có nhiều em đạt giải hoa hậu khuyết tật ở TP.Hồ Chí Minh, hoặc quay về công tác tại Trung tâm khiếm thính của huyện Phú Ninh…

“Khó khăn hiện tại của cơ sở chính là phần lớn gia đình có trẻ em bị khuyết tật đều có hoàn cảnh khó khăn, nên mong muốn các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các cơ quan trong tỉnh và huyện có phương án giúp đỡ lâu dài cho các cháu” - Ông Sự nói.

[VIDEO] – Ông Trần Quốc Sự , Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Ninh chia sẻ về những khó khăn tại trung tâm:

NG.QUỲNH - PH.HẢI