Khởi nghiệp - OCOP

Tiếp sức phụ nữ Quảng Nam tự tin khởi nghiệp

TÂM ĐAN 08/03/2024 08:55

Sự tiếp sức, đồng hành của Hội LHPN các cấp trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp đã tạo động lực, thúc đẩy phụ nữ tự tin khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

z5206295377104_72f3fd75d50bc5f761f87cfa0015450c.jpg
Quang cảnh phát động cuộc thi “Phụ nữ KN sáng tạo và chuyển đổi xanh”. Ảnh: TÂM ĐAN

Thành quả...

Năm 2020, đại dịch COVID-19 ập đến cũng là thời điểm chị Thái Thị Nhị (Công ty TNHH Thực phẩm Mẹ Mít Hội An) quyết định khởi nghiệp. Trước đây, chị Nhị làm việc trong ngành du lịch, tranh thủ thời gian kinh doanh thêm các sản phẩm “nhà làm”.

Bằng đam mê và nỗ lực hết mình, đến năm 2022, chị Nhị gặt hái được nhiều thành quả. Trong đó, nổi bật là giải Ba Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia 2022 (tiền thân là Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia). Cùng năm, công ty của chị có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

“Từ những ngày đầu khởi nghiệp, tôi nhận được sự hỗ trợ từ Phòng Kinh tế, Hội LHPN, Hội khởi nghiệp thành phố. Điều đó tiếp thêm động lực giúp tôi mạnh mẽ, tự tin có những bước tiến như hôm nay” - chị Nhị chia sẻ.

Tại Quảng Nam, phong trào khởi nghiệp nói chung và phong trào phụ nữ khởi nghiệp nói riêng được hưởng ứng mạnh mẽ. Dễ nhận thấy, trong những năm gần đây, số lượng dự án khởi nghiệp, sản phẩm OCOP tại Quảng Nam do phụ nữ làm chủ thể chiếm đa số.

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Thông qua hoạt động phụ nữ khởi nghiệp, nhiều chị em đã tâm huyết, kiên trì, bứt phá để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 70% dự án khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ. Nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp thành công, nhiều sản phẩm đã có mặt tại hầu hết tỉnh thành cả nước”.

Theo bà Liên, qua 6 lần phát động Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh đã tiếp nhận 316 dự án của các tác giả/đồng tác giả là nữ. Trong đó, số dự án đạt giải cấp vùng, quốc gia và được UBND tỉnh công nhận 92 dự án.

Nhiều gương phụ nữ khởi nghiệp xuất sắc đã được tôn vinh, biểu dương. Đơn cử, năm 2023, trong 6 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích đoạt giải trong các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia và cấp vùng, thì có đến 5 cá nhân là phụ nữ.

Phát động cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”

Hội LHPN tỉnh tổ chức vừa phát động Cuộc thi phụ nữ Quảng Nam khởi nghiệp sáng tạo lần thứ VII năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”.

Cuộc thi nhằm tôn vinh doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ có các dự án, ý tưởng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ mới sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm thân thiện với môi trường...

Sát cánh, đồng hành

Thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, thời gian qua, hội LHPN các cấp đã vào cuộc tuyên truyền thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đồng thời trực tiếp tham gia hỗ trợ bằng nhiều hình thức.

Như cuối năm 2023, khi Ngày hội khởi nghiệp thị xã Điện Bàn lần thứ I-TechFest Điện Bàn 2023 diễn ra, Hội LHPN thị xã và Câu lạc bộ Phụ nữ Điện Bàn khởi nghiệp đã tổ chức 2 buổi livestream (phát trực tiếp) tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ.

Hai buổi livestream được thực hiện trong khung giờ từ 11 - 13 giờ hàng ngày đã thu hút gần 6.000 lượt người xem cùng hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ…, góp phần lan tỏa, quảng bá sản phẩm.

Mới đây, ý tưởng này cũng được Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp TP.Tam Kỳ tổ chức. Buổi livestream đã giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng như sản phẩm Nhàu Best One, yến sào Bảo Trân, mỳ Quảng khô Cô Huệ, yến sào BT Group, nước mắm Ngọc Lan… Toàn bộ lợi nhuận từ buổi livestream được trao tặng phụ nữ khuyết tật và bị ung thư trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - bà Nguyễn Thị Liên cho biết, trong 7 năm qua, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đã được các cấp hội LHPN triển khai xuyên suốt và thực chất.

Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập, hỗ trợ kết nối các nguồn lực để phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 7 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện, 2 câu lạc bộ cấp cơ sở với 112 thành viên.

“Sự thành công của phụ nữ khởi nghiệp trên quê hương Quảng Nam đã hình thành, thúc đẩy, tạo lập và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam đã hình thành và ngày một phát triển, trở thành địa phương đi đầu khu vực, trong đó có sự đóng góp rất lớn của phụ nữ” - bà Liên nhấn mạnh.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO VAI TRÒ PHỤ NỮ

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đổi mới mạnh mẽ cách thức hỗ trợ phụ nữ

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 đạt kết quả tốt hơn, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên đã xác định, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.

pn4.jpg
Ông Trần Anh Tuấn đề nghị cần tạo sự đột phá trong công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ảnh: L.D

Cần xác định khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh trong năm 2024, gắn với vấn đề bức xúc nhất trong công tác phụ nữ như phụ nữ chưa có cơ hội việc làm, phụ nữ nghèo ở vùng sâu, vùng xa chưa có cơ hội phát triển.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động sự tham gia của đông đảo cộng đồng, các nhà tài trợ giúp phụ nữ vùng sâu, vùng xa phát triển, thoát nghèo thông qua các mô hình phát triển kinh tế gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Chúng ta cần đổi mới mạnh mẽ cách làm, trong đó lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức toạ đàm lắng nghe tiếng nói của phụ nữ theo từng vùng miền, nhóm đối tượng phù hợp, tổ chức học tập nghiên cứu cho nữ lãnh đạo các cấp.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Thiết thực hỗ trợ phụ nữ vùng cao, phụ nữ yếu thế

Thời gian tới, các cấp Hội LHPN cần chú trọng chăm sóc, hỗ trợ phụ nữ yếu thế, phụ nữ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế, xã hội còn khó khăn.

Phụ nữ cần được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, y tế, trẻ em gái được đến trường đúng độ tuổi, hỗ trợ dinh dưỡng, phát triển thể chất, phụ nữ yếu thế hay bị bạo lực, xâm hại nhận được sự bảo vệ của các ngành đoàn thể và cộng đồng.

Công tác tuyên truyền đã hạn chế và phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trên cơ sở đó, tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, hướng đến thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới tại các địa phương miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn....

Bà Trương Lê Vân - Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức: Nói đi đôi với làm

Trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở một xã miền núi như Sông Trà, nói phải đi đôi với làm, muốn vận động chị em phải có mô hình, có việc làm cụ thể.

z5213087650199_cba7446d3e7e25cbed56708386c248b4.jpg
Bà Trương Lê Vân - Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Trà. Ảnh: N.V

Các mô hình chúng tôi đã thực hiện như “Ngôi nhà xanh”, “Câu lạc bộ múa cồng chiêng”, “Ngôi nhà xanh”... đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Câu lạc bộ “Múa cồng chiêng” có 20 thành viên tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống địa phương.

Trước đây, nhiều trẻ em chưa biết múa cồng chiêng, đến nay đã được các nghệ nhân truyền dạy những kỹ thuật đánh cồng chiêng, cách diễn tấu một số bài chiêng truyền thống và thường xuyên tham gia sinh hoạt múa cồng chiêng cùng câu lạc bộ.

TÂM ĐAN