Năng lực hiện thực hóa quy hoạch Quảng Nam
Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 72 ngày 17/1/2024) mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Quảng Nam; nhưng cũng “kèm theo” yêu cầu năng lực hiện thực hóa các nội dung quy hoạch. Và năng lực đó, trước hết bắt đầu từ Chu Lai...
Nhiều cơ hội
Theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, rất khó khăn quy hoạch tỉnh Quảng Nam mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
So với nhiều địa phương, Quảng Nam là tỉnh trình quy hoạch muộn nhất (do phải làm rất kỹ lưỡng) và đã được thông qua ở những giờ phút cuối cùng.
Quy hoạch được phê duyệt mở ra cơ hội vô cùng to lớn cho Quảng Nam trong tương lai và chủ trương của tỉnh là tập trung triển khai những nội dung của quy hoạch sớm nhất, hiệu quả nhất.
Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả dự án đầu tư thực hiện đúng nội dung có trong quy hoạch, những dự án nào không có trong quy hoạch thì không thực hiện.
Và những dự án đầu tư đến năm 2030 nếu có nguồn lực, có nhu cầu ở các lĩnh vực từ công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics của vùng, quốc tế thì đầu tư trước năm 2030.
Quan điểm nhất quán của tỉnh là không vội vàng lấp đầy vùng quy hoạch, đặc biệt là phía Đông mà sẽ có lộ trình, phương pháp lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, thực sự tham gia vào các lĩnh vực chiến lược.
Không vội vàng đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, không đánh giá kỹ năng lực của nhà đầu tư dẫn đến lãng phí tài nguyên, nguồn lực đất đai...
Nội dung Quyết định 72 đã khẳng định tầm vóc, tiềm năng của tỉnh đối với khu vực, xác định tại Quảng Nam nhiều ngành, nhiều lĩnh vực dẫn đầu cả nước, trở thành trung tâm cấp vùng, cấp quốc gia. Ví như trong Quyết định 72 nêu sẽ hình thành trung tâm đô thị đại học phía bắc gắn với Đà Nẵng.
Hiện nay trên cả nước chưa có nhiều mô hình đô thị đại học, nên mô hình này sẽ thu hút các trường đại học cùng ngành, cùng lĩnh vực.
Hay như về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, theo Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh, Quyết định 72 có nói, thứ nhất là củng cố các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn, phát triển trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề tiệm cận chuẩn ASEAN 4.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đào tạo nghề, thu hút nguồn lực bên ngoài tham gia đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh cho biết: “Hiện nay, Quảng Nam tích cực làm việc với Bộ LĐ-TB&XH để quy hoạch Quảng Nam là một trong những trung tâm đào tạo nghề khu vực miền Trung ở những ngành, lĩnh vực mà Quảng Nam có lợi thế, ví dụ như cơ khí.
Quảng Nam có lợi thế đào tạo nguồn nhân lực về cơ khí gắn với thực hành. Chúng ta có Trường Hải ở đây, từ Trường Cao đẳng Nghề của Trường Hải, sẽ mở rộng đào tạo nhiều ngành nghề...”.
Một tiềm năng khác là đào tạo trong lĩnh vực du lịch, tại Quảng Nam được quy hoạch hình thành trung tâm đào tạo cấp chứng chỉ quốc tế của ngành du lịch phục vụ khu vực miền Trung, gắn với thực hành tại các khu du lịch.
Bắt đầu tại Chu Lai
Chu Lai, mà hạt nhân là Khu kinh tế mở Chu Lai được xác định là khu vực có khả năng triển khai các dự án nằm trong nội dung quy hoạch sớm nhất, hiệu quả nhất bởi các “năng lực” sẵn có.
Quảng Nam xác định ưu tiên đầu tư phát triển tại Chu Lai trước. Trong đó, đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn mà trước đây vướng về chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp theo Quyết định 326 ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
Chỉ tiêu đất công nghiệp theo Quyết định 326 dành cho Quảng Nam hạn chế, địa phương cùng với nhiều tỉnh thành khác kiến nghị việc này, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung chỉ tiêu phát triển khu công nghiệp tại Quảng Nam, điều chỉnh Quyết định 326 cho Quảng Nam phát triển theo nhu cầu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, theo quy hoạch, sẽ hình thành cảng loại I tại Chu Lai với trung tâm logistics đa phương tiện. Cụ thể là xây dựng tại Chu Lai thành trung tâm logistics container của cả nước và phục vụ khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tại đây cũng sẽ xây dựng tuyến đường sắt kết nối sân bay Chu Lai, đến Hội An, Đà Nẵng. Tuyến đường sắt “nội địa” này gắn với hệ thống đô thị đến Hội An, kết nối Hội An với Đà Nẵng.
Cùng với đó, hệ thống giao thông của Quảng Nam hiện nay đang được đánh giá có nhiều tiềm năng mở rộng, hoàn chỉnh, kết nối liên vùng.
Ngoài sân bay Chu Lai và đường cao tốc, cộng với đường vành đai nối qua cửa khẩu Nam Giang đang được xúc tiến đầu tư mở rộng sẽ hoàn chỉnh hệ thống giao thông xuyên suốt, chiến lược.
Hiện nay, quốc lộ 14E đang đầu tư và Chính phủ cũng thống nhất khi đầu tư xong quốc lộ 14E sẽ tiếp tục đầu tư quốc lộ 14B lên cửa khẩu, toàn tuyến sẽ thông suốt và tập trung phục vụ “đầu mối” Chu Lai.
“Giao thông là mạch máu phát triển. Hệ thống giao thông của Quảng Nam có lợi thế, nếu được thông suốt sẽ tạo cơ hội phát triển vô cùng lớn nên địa phương sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư hoàn chỉnh” - Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh nói.
Một động lực khác, về quy hoạch cảng Chu Lai trở thành cảng loại I, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng điều này sớm trở thành hiện thực bởi lượng hàng hóa đáp ứng yêu cầu (năm 2023 khoảng 3 triệu tấn). Và việc đầu tư cũng dựa trên tiềm năng này.
Nếu chỉ tính lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trường Hải bao gồm nông nghiệp, thì trong tương lai sẽ có một số lượng hàng hóa đủ lớn để thông quan, giao dịch.
Hoàn thiện hệ thống đường trục chính theo hướng Bắc - Nam
Theo quy hoạch tỉnh, các tuyến đường trục chính theo hướng Bắc - Nam ngoài phục vụ giao thông của tỉnh còn bảo đảm kết nối tỉnh Quảng Nam với các tỉnh thành trong khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước, đảm bảo lưu thông hàng hóa và hành khách nội tỉnh và của cả nước quá cảnh qua địa bàn; gồm 5 đường trục, trong đó 1 tuyến cao tốc, 3 tuyến quốc lộ và 1 tuyến đường địa phương.
Cụ thể, đường cao tốc: giai đoạn đến năm 2030 giữ nguyên quy mô tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh dài 91,3km theo tiêu chuẩn loại A với 4 làn xe; định hướng đến năm 2050 mở rộng đạt quy mô 6 làn xe; xây dựng thêm 2 tuyến qua địa bàn tỉnh gồm tuyến Đà Nẵng - Kon Tum và tuyến Quảng Ngãi - Quảng Nam.
Quốc lộ: quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn Quảng Nam dài 86,5km, giai đoạn đến năm 2030 tiếp tục chỉnh trang, mở rộng đồng bộ đạt tiêu chuẩn cấp III, 4 làn xe; định hướng đến năm 2050 từng bước đầu tư một số nút giao khác mức tại các điểm có lưu lượng phương tiện lớn tại các đô thị Nam Phước, Hương An, Hà Lam, Tam Kỳ, Núi Thành.
Đường Hồ Chí Minh: qua địa bàn Quảng Nam dài 185km, quy hoạch mở rộng theo tuyến hiện trạng đạt tiêu chuẩn cấp III-IV quy mô 2 - 4 làn xe. Đường Trường Sơn Đông: qua địa bàn Quảng Nam dài 142km từ Thạnh Mỹ, Nam Giang đến giáp tỉnh Quảng Ngãi (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My), quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III, IV quy mô 2 - 4 làn xe.
Đường do địa phương quản lý: đầu tư hoàn thiện hệ thống đường bộ ven biển Việt Nam từ giáp TP.Đà Nẵng đến sân bay Chu Lai gồm ĐT.603B và ĐT.619 (đường Võ Chí Công) đạt tiêu chuẩn đường cấp II hoặc trục chính đô thị quy mô 4 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ; định hướng đến năm 2050 xây dựng các đường gom, các nút khác mức, chuyển công năng tuyến đường hiện tại thành đường cao tốc đô thị.(Minh Đức)