Nguyễn Minh Như: Dù ở độ tuổi nào cũng không thể ngừng học tập
Nguyễn Minh Như - Giảng viên khoa Thiết kế Nghệ thuật, Trường Đại học Hoa Sen; Thạc sĩ Thiết kế truyền thông tại Nuova Accademia Belle di Arti, Ý. Chị là người sáng lập dự án Nhịp hải hà - chuỗi chương trình đồng hành với sinh viên từ ao nhà dân gian vươn mình ra biển lớn sáng tạo.
“Vì sao người Việt Nam ít tự tin? Vì chúng ta tự khắt khe với bản thân, sợ bị đánh giá, bởi vì tác phẩm không đủ đẹp. Sự chú trọng tuyệt đối về mặt hình thức đã đem đến cho người làm nghệ thuật thiết kế ở Việt Nam kỹ thuật vẽ, pha màu, sử dụng các công cụ cực kỳ thành thạo… nhưng cũng trói chặt tư duy của họ, chưa bao giờ dám mở ra để thay đổi (sợ bị đánh giá) và cũng chưa bao giờ dám bỏ qua yếu tố thẩm mỹ để trình bày về ý tưởng của mình (cũng lại sợ bị đánh giá).
Hiện tại với vai trò làm nghệ thuật và truyền dạy nghệ thuật, tôi tập trung vào ý tưởng và tư duy. Tuy các bạn không quá giỏi về mặt kỹ thuật, nhưng quan điểm của tôi rất rõ ràng, không thể chỉ dạy về kỹ thuật. Kỹ thuật, kỹ năng là những thứ các bạn có thể tự rèn giũa được, và chỉ các bạn mới biết cần rèn giũa những kỹ năng nào để phù hợp với hướng phát triển của mình.
Là giảng viên, tôi không phủ nhận, không chê thành quả của sinh viên. Tôi cho thêm các bạn góc nhìn khác, những gợi mở để điều chỉnh… và quan trọng nhất là cho các bạn sự tự tin về bản thân, về phong cách của mình, về ý tưởng mình đã nghĩ ra để sau khi ra trường, làm nghề, các bạn có thể vững vàng trên chặng đường dài phía trước.
Tôi bảo các bạn rằng: Nghệ thuật không chỉ đơn giản là đẹp, đẹp thôi không đủ. Bản thân cái đẹp cũng rất đa dạng và phong phú, không hề có khuôn mẫu.
Mình hãy cứ ưu tiên ý tưởng trước, sau đó chọn lựa cách thể hiện phù hợp ý tưởng và năng lực, sau cùng mới chăm chút hình thức. Như thế, chúng ta sẽ không tạo ra những tác phẩm rỗng ruột.
Về văn hóa dân gian, tôi nói thật là bản thân cũng đang trong quá trình tìm hiểu, học tập một cách nghiêm túc và bài bản. Và điều tôi nhận ra cũng tương tự như trên, khi làm về văn hóa dân gian, chính người Việt Nam lại sợ hãi. Sợ bị đánh giá, phán xét là chưa đúng, chưa chuẩn, chưa hiểu người Việt.
Tôi cho rằng nỗi sợ này xuất phát từ hai phía, từ những người quan tâm và trân quý giá trị truyền thống nên họ sợ người ta làm sai, làm tổn hại văn hóa dân tộc. Ở phía bên kia, những người làm nghệ thuật cũng sợ, sợ chưa hiểu đúng, chưa làm chuẩn, sợ bị phán xét.
Mất kết nối giữa hai nhóm người này cộng với đứt gãy văn hóa đã làm cho hố sâu ngăn cách giữa các thế hệ cũng như giữa người Việt và văn hóa Việt ngày càng rộng. Đặc biệt trong thời đại mà thế giới phẳng như hiện nay, người trẻ đang bị tách ra khỏi văn hóa bản địa bởi sự thống trị của mạng xã hội.
Trong vai trò hiện tại, tôi tự mình thực hành làm gương và truyền dạy các em sinh viên nhất quán với quan điểm về nghệ thuật đã nói ở trên: Tự tin, không sợ hãi, dám làm với tư duy đúng đắn, làm đúng trước khi đẹp. Mà để làm đúng thì phải học hỏi, nghiên cứu… cho nên dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng không thể nào ngừng học tập.