Những phụ nữ "mê" thiện nguyện
(QNO) – Không chỉ trọn phận yêu chồng thương con, vun vén tổ ấm hạnh phúc, những phụ nữ xứ Quảng vẫn thầm lặng cống hiến nhiều việc có ích cho xã hội.
Dự án “Em nuôi”
Nắng chiều tháng 3 vàng ươm như mật trải dài trên con đường thuộc tổ dân phố Lãnh Thượng 1 (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn). Đó là lối nhỏ mà Hà Thị Lanh (SN 2002) trở về mái ấm sau những chuyến thiện nguyện.
Lanh là con thứ trong gia đình nông dân vất vả khi cha Lanh bị tai biến, xơ gan. Nhưng hoàn cảnh chẳng quật ngã cô gái nhỏ nhắn này. 12 năm liền em luôn là học sinh giỏi và giờ là cô sinh viên năm cuối Học viện Hành chính quốc gia - phân viện miền Trung.
Đồng cảm với những phận đời khốn khó, nên Lanh luôn tâm niệm phải làm nhiều việc thiện nguyện giúp đời giúp người. Lanh kể, cách đây 7 năm, khi đi làm thêm ở TP.Đà Nẵng, được một người trong câu lạc bộ từ thiện truyền cảm hứng, hành trình tình nguyện của mình bắt đầu.
“Năm học lớp 12, lần đầu tiên em khởi xướng chuyến tình nguyện mùa đông lên vùng biên cương xã Đắc Tôi (Nam Giang) cùng các thành viên Trường THPT Quế Sơn. Chuyến lên vùng cao thành công đã tiếp thêm niềm tin vào hành trình cống hiến của mình”.
Sinh viên Hà Thị Lanh
Trong những năm dịch COVID-19, cô gái này trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Lanh nhảy lên chuyến xe vào TP.Hồ Chí Minh đón những người đồng hương xa xứ về nhà mà chẳng mảy may lo sợ lây nhiễm cho mình. Và đôi chân có mặt ở nhiều khu cách ly, chốt kiểm soát dịch để trao từng ổ bánh mì, chai nước suối cho đồng hương, người làm nhiệm vụ chống dịch.
Sau đó, những thanh niên gắn bó với nhau trong cuộc chiến với COVID-19 thành lập nên Câu lạc bộ Hoa hướng dương nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa tại địa phương. Đó cũng là nơi ra đời dự án “Em nuôi” do chủ nhiệm Hà Thị Lanh khởi xướng, hỗ trợ cho các em nhỏ ở Quế Sơn tiền ăn uống, học phí, đồ dùng học tập.
Mồ côi cha từ nhỏ, ở cùng người mẹ bệnh nặng nên em Phạm Đức Toàn (học sinh lớp 11, Trường THPT Quế Sơn) thường sống khép mình. Nhưng nay Toàn đã mở lòng khi được các anh chị ở CLB Hoa hướng dương đến trò chuyện, tâm sự và hướng dẫn những điều cần thiết cho một nam sinh đang tuổi mực tím.
“Chị Lanh và các anh chị trong CLB Hoa hướng dương thường xuyên đến động viên và giúp em học được cách sống hòa nhập, vui vẻ. Và 300 nghìn đồng mà các anh chị cho thì em dồn lại nộp tiền học thêm, cũng đỡ đần phần nào chi phí cho mẹ” – Toàn cho biết.
Tính đến tháng 12/2023, dự án “Em nuôi” đã hỗ trợ được hơn 100 lượt học sinh ở huyện Quế Sơn. Và gắn kết các nhà hảo tâm đồng hành cùng 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các em từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng.
Đồng hành xóa nhà dột nát
Khuất sau rặng tre già thôn 4 (xã Tiên Lập, Tiên Phước) là ngôi nhà đã xây dựng lại cách đây 4 năm của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thọ (SN 1962). Ông Thọ bảo, hoàn cảnh khá éo le khi có 5 con đang tuổi ăn học, vợ đang chạy chữa ung thư và bản thân cựu chiến bình này lại mắc phải căn bệnh tim mãn tính.
Năm 2020, thấu hiểu hoàn cảnh của ông Thọ, nữ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Tiên Lập Trần Thị Kim Khoa đã đề xuất hỗ trợ nhà ở thông qua chương trình của Tổ chức Habitat for Humanity International (HFHI).
“Có trong giấc mơ tôi cũng không nghĩ mình có được một căn nhà kiên cố, không phải lo đối phó mỗi khi mưa bão đến. Nay thì giấc mơ đó đã thành hiện thực rồi khi được chị Khoa và HFHI xây dựng cho căn nhà tình nghĩa” – ông Thọ vui vẻ nói.
Từ khi HFHI phối hợp cùng Hội CTĐ huyện Tiên Phước thực hiện hỗ trợ 50 triệu đồng và 9 nghìn viên gạch xây nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Trần Thị Kim Khoa đã tiên phong khảo sát, tìm kiếm những hộ dân nghèo khổ, lập kế hoạch giúp đỡ họ.
Thương những người dân nhà ở lụp xụp, mùa mưa bão dột ướt cả chỗ ăn, chỗ ngủ nên người phụ nữ này chẳng quản ngày đêm làm hồ sơ xin xét hỗ trợ nhà tình nghĩa.
Rồi vận động các tình nguyện viên cùng đến chuyển gạch, cát sỏi, xi măng… xây dựng, sửa sang nhà ở cho các trường hợp khó khăn. Hơn 9 năm gắn bó với dự án của HFHI, chị Khoa đã góp phần hỗ trợ được 4 hộ có nhà ở mới, giúp đỡ 6 hộ nâng cấp nhà cửa trên địa bàn xã.
Mình chỉ góp cái công thôi nhưng bù lại các trường hợp khó khăn sẽ có mái ấm an toàn. Đó là điều tôi thấy hạnh phúc”.
Chủ tịch Hội CTĐ xã Tiên Lập Trần Thị Kim Khoa
Thuở đôi mươi, Trần Thị Kim Khoa nhiệt huyết với hàng trăm việc tình nguyện không tên nhưng chẳng bao giờ khiến người phụ nữ này thấy mệt mỏi, dừng lại. Và đến năm 2013, Khoa bén duyên với công tác Hội CTĐ của xã, càng khiến chị cuốn theo các hoạt động công tác xã hội.
Từ sự tận tâm, uy tín của Trần Thị Kim Khoa nên các nhà hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ khi chị kêu gọi. Từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân, đều đặn hằng tháng, chị Khoa mua nhu yếu phẩm đến tặng cho 10 cụ già nghèo neo đơn trong xã.
Bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lập nói: “Chị Trần Thị Kim Khoa là một cán bộ năng nổ trong công tác từ thiện. Chỉ riêng năm 2023, chị đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ được 278 triệu đồng cho Hội CTĐ xã Tiên Lập. Ngoài ra, nhờ uy tín, sự tin yêu của nhân dân, chị luôn vận động đạt chỉ tiêu hiến máu nhân đạo, giúp đỡ áo ấm, sách vở đến trường cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ cho nhiều hộ đồng bào thoát nghèo bền vững”.
Mê từ thiện, nên duyên vợ chồng
“Ngày đó, chúng tôi cũng chỉ muốn lên tình nguyện vùng cao cho biết và duyên số khi cả hai gặp nhau trên Tây Nguyên. Mỏi mệt rã rời nhưng nhìn ánh mắt trong trẻo như suối nguồn của những đứa nhỏ miền núi càng thôi thúc mình làm điều gì đó giúp đỡ họ vơi đi cảnh thiếu thốn. Và đây cũng là động lực khiến chúng tôi quay trở lại những mảnh đất núi rừng gian khó” - Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 1994, phường Điện An, Điện Bàn) hồi tưởng về mối duyên vợ chồng và lý do khởi nguồn cho hành trình thiện nguyện xuyên suốt về sau này.
Sau ngày cưới, vợ chồng Oanh cùng nhiều “đồng đội” trèo đèo lội suối, dấu chân họ in các nóc làng ở Trà Vinh, Trà Tập, Trà Cang, Trà Don, Trà Nam… (Nam Trà My).
Oanh cho biết, dịch giã đã giãn cách 2 tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, các thành viên xứ Quảng chẳng thể cùng hoạt động với các thành viên ở Đà Nẵng nên họ tạm phân chia, thành lập CLB Thiện nguyện Điện Bàn để hoạt động trong phạm vi Quảng Nam. Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, CLB hướng mục tiêu giúp đỡ đến các trẻ em vùng cao.
“Chúng tôi chỉ là “shipper” mang hộ tấm lòng tốt của các nhà hảo tâm đến với trẻ em vùng cao mà thôi. Mong sao những chuyến đi nối tiếp những chuyến đi và chân cứng đá mềm để vợ chồng tôi đủ sức thực hiện”.
Nguyễn Thị Kim Oanh
Trước mỗi chuyến đi Nam Trà My, Tây Giang… CLB sẽ lên kế hoạch, tổ chức kêu gọi những người quen hỗ trợ xe bán tải, bánh kẹo, áo quần, thực phẩm… Mỗi tháng sẽ tổ chức từ 1 đến 2 chuyến trao quà cho đồng bào vùng cao.
Ngoài những chuyến đi thiện nguyện, mỗi khi có ai đó hỗ trợ quần áo, sách vở thì vợ chồng Nguyễn Thị Kim Oanh ngay lập tức kết nối với chính quyền địa phương, các thầy cô giáo ở Nam Trà My để gửi xe chuyển lên.
"Khi con trai cứng cáp, chúng tôi sẽ dắt con theo để mong muốn khi lớn lên cháu sẽ biết yêu thương mọi người và tiếp nối hành trình làm việc thiện khi vợ chồng tôi không còn đủ sức cho những chuyến lên vùng cao” – Oanh trải lòng.
[VIDEO] - Chị Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ về hành trình thiện nguyện: