Những phụ nữ đam mê khởi nghiệp
(QNO) - Dù xuất phát điểm khác nhau nhưng nhiều phụ nữ Quảng Nam trong bài viết này đều gặp nhau ở sự kiên trì và quyết tâm vượt khó trên con đường khởi nghiệp cùng hướng đến mục tiêu tạo lập các giá trị mới cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Nhận diện cơ hội
Chọn sản phẩm tinh dầu để khởi nghiệp ở tuổi 45, cô giáo Phạm Thị Tường Vy (khối phố 5, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) - chủ Cơ sở chế biến tinh dầu thiên nhiên Anh Kiệt đã thực hiện được một phần ước mơ cũng như đam mê của mình.
Là giáo viên bộ môn Hóa học tại một trường THPT trên địa bàn thị xã, có kiến thức về chiết tách tinh dầu cùng niềm đam mê những mùi hương quyến rũ từ hoa, lá thiên nhiên, năm 2022 cô Tường Vy quyết tâm khởi nghiệp sau những giờ trên lớp.
“Tôi muốn đưa kiến thức mình được học áp dụng vào thực tế dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương như sả, bạc hà, ngải cứu… nhằm tạo việc làm, thu nhập cho nông dân địa phương, giúp bảo tồn các loài cây dược liệu bản địa” - cô giáo Tường Vy chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp.
Đến nay, Cơ sở Anh Kiệt đã chiết tách thành công tinh dầu từ các loại cây như sả, bạc hà, ngãi cứu, chổi (kim sa tùng)… cung ứng nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, kể cả ở các đô thị lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…
Hiệu quả mô hình khởi nghiệp Anh Kiệt không chỉ chuyển giao kỹ thuật trồng các loài cây dược liệu bản địa cho người dân giúp khôi phục nguồn giống mà còn trở thành đầu mối thu mua nguyên liệu ổn định tại địa phương.
“Lợi thế của dòng sản phẩm tinh dầu thiên nhiên là luôn gắn liền với cuộc sống hàng ngày của con người từ thực phẩm, dược phẩm đến chăm sóc sức khỏe, cân bằng tinh thần và làm đẹp… nên tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai”, cô giáo Tường Vy nhìn nhận.
Với Phạm Thị Nhân (32 tuổi, thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, Duy Xuyên), quá trình khởi nghiệp không chỉ tận dụng những lợi thế tại chỗ mà còn là sự kiên trì nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, năm 2015, chị Nhân vào làm việc tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh). Năm 2019 chị về quê sinh con đầu lòng. Tuy nhiên, sau sinh sức khỏe không tốt, vợ chồng chị đành về quê không quay lại Sài Gòn. Qua nhiều ngày suy nghĩ, tính toán, tháng 6/2019 hai vợ chồng quyết định thuê 3.000m2 đất làm trang trại nuôi gà ác (gà ri) đẻ trứng. Trang trại Trứng gà ác Hảo Nhân ra đời từ đó.
Đến nay, trang trại đã có hơn 3.000 nghìn con gà, mỗi ngày thu hoạch cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh gần 3.000 quả trứng. Ngoài trứng gà ác, một số sản phẩm được chế biến tăng thêm như bánh thuẩn, thịt gà hầm thuốc Bắc… cũng được Hảo Nhân phát triển nhằm mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng, đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu trứng thịt có sẵn.
Với giá bán 30 -33 nghìn đồng/10 trứng, doanh số bình quân mỗi tháng của trang trại đạt gần 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương. Dù vậy, tỷ lệ gà hao hụt cũng tương đối lớn khiến lợi nhuận của cơ sở chưa như mong đợi.
“Trứng gà ác có giá trị dinh dưỡng cao nên người tiêu dùng khá ưa chuộng, tôi rất muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng do hạn chế về vốn nên không thể thực hiện được” - chủ Trang trại Trứng gà ác Hảo Nhân chia sẻ.
Nỗ lực phát triển
Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm phụ nữ khởi nghiệp, rất nhiều mô hình thành công dựa vào nguồn tài nguyên bản địa, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.
Dù vậy, khởi nghiệp cũng chưa bao giờ là dễ dàng đối với phụ nữ. Ngoài các yếu tố về vốn, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường… thì áp lực về gia đình, thời gian chăm lo con cái trở thành trở ngại lớn. Nhiều phụ nữ khởi nghiệp phải luôn sắm hai vai, vừa lo toan công việc sản xuất kinh doanh tốt vừa phải sắp xếp thời gian chăm lo gia đình chu toàn. Nếu chồng con không thấu hiểu, thông cảm sẽ rất khó toàn tâm toàn ý với công việc.
Chị Trương Thị Thùy Lan (38 tuổi) - chủ Cơ sở Đông trùng hạ thảo Võ Thành Quốc (khối phố Cổ An Đông, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) thừa nhận, nếu không có sự hỗ trợ của chồng, sản phẩm đông trùng hạ thảo Võ Thành Quốc sẽ khó có sự thành công như hôm nay.
Thùy Lan có chồng hoạt động trong lĩnh vực xét nghiệm, nuôi cấy mô của một bệnh viện lớn tại TP.Đà Nẵng nên việc quyết định chọn con đường khởi nghiệp với dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo phục vụ sức khỏe và làm đẹp.
Theo chị Trương Thị Thùy Lan, so với một số dòng sản phẩm dược liệu, nuôi cấy đông trùng hạ thảo tương đối khó khăn hơn vì qua nhiều quy trình chăm sóc và đầu tư lớn nên không chỉ đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật mà còn là sự đồng lòng của vợ chồng trong hành trình khởi nghiệp.
Hiện cơ sở phát triển được nhiều dòng sản phẩm chính như đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ngâm rượu hoặc ngâm mật ong… hầu hết được khách hàng tin dùng. Với giá bán từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng một sản phẩm tùy loại, bình quân mỗi tháng khoảng 200 đơn vị sản phẩm của cơ sở đã được đưa ra thị trường, giúp mang lại nguồn doanh thu đủ tái đầu tư phát triển.
“Tôi nghĩ phụ nữ khởi nghiệp dù với sản phẩm nào và thành công ở mức độ nào cũng đáng được trân trọng, khích lệ, bởi điều đó không những khẳng định được năng lực bản thân, dám vượt qua rào cản, thách thức mà còn góp phần tạo động lực lan tỏa, cùng nỗ lực, quyết tâm khởi nghiệp sáng tạo, lập thân, lập nghiệp” - chị Thùy Lan nói.