Nặng tình con nước phù sa
Bà Rén - một chi lưu của sông Thu Bồn, điểm bắt đầu là khu vực giáp vùng Gò Nổi (thị xã Điện Bàn) và phía trên cầu Chìm (Duy Xuyên).
Sông chảy xuống giữa vùng đất hai huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, vượt qua cầu Bà Rén trên quốc lộ 1, xuôi về xã Duy Thành, hòa dòng nước với Thu Bồn, Trường Giang để đổ ra biển lớn.
Thú vị từ tên đất
Khi nói đến sông Bà Rén và vùng đất cùng tên, người ta luôn tò mò muốn biết nhiều hơn gốc tích địa danh này.
Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng ghi rằng, Bà Rén bắt nguồn từ Bà Rắn, vì nơi đây, người ta đã đào được một tượng nữ thần có hình con rắn Naga nhiều đầu và sau đó nói chệch theo ngữ âm địa phương.
Thế nhưng theo sách “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn lại cho rằng: tên Bà Rén đã có từ lâu đời, ít nhất là trước thế kỷ 18. Tên gọi này không liên quan gì đến tượng nữ thần có hình rắn Naga.
Tên định danh này có thể là tên gọi một nhân vật nào đó do dân gian gọi lâu ngày mà thành, hoặc nhiều người quy ước với nhau như quán Cát (quán ở trên bãi cát), quán Liễu (quán ở trên bãi dương liễu). Cho nên, theo ghi nhận của Lê Quý Đôn địa danh này có thể có tên là “Bà Rèn” hay “Lò Rèn”. Sau này từ Rèn biến thành Rén. Việc chuyển đổi thanh điệu này là hiện tượng khá phổ biến ở vùng Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Vùng đất này còn có một ngôi chợ khá đặc biệt bên dòng sông: chợ heo Bà Rén với nghề bồng heo có một không hai.
Bên dòng sông
Sông Bà Rén là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản cho nhiều gia đình mưu sinh kiểu kết hợp “chân sông chân đồng”. Nhưng điều đặc biệt, lòng sông Bà Rén có nhiều hến. Hến sống dưới lớp bùn, sỏi ở đáy sông, hấp thụ vi sinh vật trong nước. Tại đây, nhiều hộ sống ven bờ gắn với nghề cào và bán hến.
Chỉ là chi lưu của dòng Thu Bồn, nhưng sông Bà Rén đã lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử văn hóa của vùng Quảng Nam.
Theo dòng lịch sử, năm 1471, vua Lê Thánh Tông chiếm phần đất từ phía nam Thuận Hóa đến đèo Cù Mông và lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 là Thừa tuyên Quảng Nam. Danh xưng Quảng Nam cũng xuất hiện từ đây.
Bên dòng sông Bà Rén đoạn qua thị trấn Nam Phước có di tích Đình Đông. Nơi đây người dân lập ra để thờ phụng các bậc tiền nhân thuở mở nước về phương Nam. Đình nằm trên gò đất khá cao của làng, phía nam sát sông Bà Rén, phía đông giáp quốc lộ 1, xa xa về phía tây là vùng núi - chiến khu Hòn Tàu.
Cũng với vị trí đó, trong suốt những năm 1930 - 1945, phong trào cách mạng bị địch đánh phá ác liệt, nhiều cơ sở bị vỡ. Đình Đông là nơi bí mật nhất để liên lạc giữ vững phong trào. Trong cách mạng tháng 8/1945 rồi qua 2 cuộc kháng chiến, nơi đây ghi dấu là địa điểm hội họp, đi về của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Khu ủy.
Dòng sông chở che
Bên này dòng Bà Rén thuộc địa phận Quế Sơn là làng Dưỡng Mông, xã Quế Xuân - nơi có di tích cách mạng là ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Sang. Từ 1940 đến 1945 gia đình ông Nguyễn Sang là nơi liên lạc bí mật của Tỉnh ủy Quảng Nam và Xứ ủy Trung Kỳ. Ngày 14/8/1945, Ủy ban bạo động khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam đã chọn nhà ông Nguyễn Sang làm nơi đặt cơ quan chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Điều không phải ai cũng biết, ngày 30/4/1930, Chi bộ Tân Mỹ Đông - tiền thân của Phủ ủy Duy Xuyên được thành lập. Để giữ bí mật, nên cuộc họp thành lập chi bộ tiền thân Phủ ủy Duy Xuyên được tổ chức trên một chiếc thuyền giữa sông Bà Rén.
Sông thì mải miết trôi nhưng bao điều còn ở lại. Trong hồi ức của mình, nhà văn Hồ Duy Lệ - nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Quảng Nam cho biết, trong giai đoạn chống Mỹ, khi đồng chí Trần Thận còn làm bí thư huyện ủy ở đây, các lực lượng chức năng đã thiết lập con đường men theo sông Bà Rén. Đây là con đường đặc biệt, đảm bảo an toàn từ khu về cơ sở và ngược lại.
Như nhiều con sông quê xứ Quảng, trong các cuộc kháng chiến đã “che chở” và nhiều khi trực tiếp tham gia đánh giặc theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.
Nhiều văn nghệ sĩ đã sống, chiến đấu, hy sinh và nằm lại dọc bờ sông quê. Từ thượng nguồn Thu Bồn (suối Tăk Răng xã Trà Dơn, Nam Trà My)- nơi nhà thơ Nguyễn Mỹ ngã xuống đến cuối nguồn tại thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên (cũng là khu vực cuối dòng Bà Rén) là nơi nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý ngã xuống.
Ai đã một lần đến với nơi này mà không khỏi xốn xang bởi sự dịu dàng của bờ bãi, ấp iu con nước xanh trong, in hằng bóng mát cỏ cây đôi bờ. Có ai nghĩ rằng cũng chính vùng đất này - nơi con sông đi qua đã từng cháy lên với những bản hùng ca bi tráng của một thời. “Sông quê như nước mắt người/ Thuở thời lửa đạn, đục trong, thắt lòng”.
Con sông Bà Rén xuất phát từ Thu Bồn, sau rong chơi qua nhiều làng mạc quê kiểng thân thương rồi trở về sông mẹ. Thủy chung con nước đến vậy huống chi con người…