Văn hóa

Quay về với nếp nhà xưa...

ĐINH LÊ VŨ 10/03/2024 12:58

(VHQN) - Chỉ cần còn đó nếp nhà, con người tự tin mở cửa bước ra với đời…

z5172286441472_824b11ee9304bf7807cfa1bfdea132eb.jpg
Nếp nhà dạy tôi những bài học về biết ơn... Ảnh: X.H

Bài học từ người lớn trong nhà

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, gia đình tôi có cả thảy bảy người: ông bà ngoại, ba mẹ, hai dì và tôi. Trong suy nghĩ thơ ấu của mình, tôi mặc định nhà nào cũng phải có ông bà, ba mẹ, cô dì chú bác và những đứa con. Bữa ăn gia đình tôi khi ấy lúc nào cũng phải đủ bảy thành viên.

Ông ngoại tôi làm thợ mộc, làm vườn. Hồi nhỏ, ông hay làm cho tôi mấy món đồ chơi bằng gỗ, từ cái xe cút kít, con vụ, mấy con gà con vịt cũng đều đẽo từ gỗ. Thỉnh thoảng tôi còn theo ông nội ra vườn, phụ ông ươm trồng mấy cây hoa nhỏ.

Bà ngoại thì quẩn quanh với con heo, bầy gà nuôi trong sân. Tôi hay phụ bà quăng nắm thóc cho gà, hay theo bà ra chuồng cho heo ăn cám. Thích nhất là những khi gà ấp mới nở xuống sân, gà con như những cục tơ vàng mịn màng, óng mượt, luôn miệng kêu chiêm chiếp…

Không thể một sớm một chiều mà người ta có được gia phong hay nếp nhà đúng mực. Đó là điều được gầy dựng, chăm chút và gìn giữ từng ngày, từng chút một, từ đời này qua đời khác...


Ba tôi, lúc cưới mẹ thì ông bà nội không còn. Ba về làm rể ở gia đình ông ngoại, sau này gần như là con trai của ông bà ngoại hơn là con rể, như là anh trai của hai dì tôi hơn là anh rể.

Đó là chuyện hồi tôi còn nhỏ. Khi hai dì của tôi lấy chồng, chưa có điều kiện ra riêng nên cũng về ở chung với ông bà ngoại. Tôi có một đại gia đình nhiều người hơn, đông vui hơn.

Sau này, mấy dì ra riêng nhưng tôi và mấy đứa em họ con dì vẫn nghĩ về nhau như là anh em một nhà. Bởi chúng tôi cùng được sinh ra, cùng có tuổi thơ dưới mái nhà của ông bà ngoại nên tình cảm anh em cũng khăng khít hơn.

Bài học đầu tiên chúng tôi học được từ ngôi nhà mình là lòng trung thực, đức hiếu thảo, sự lễ phép, kính trên nhường dưới. Nói chuyện với người lớn phải biết dạ, biết thưa gởi. Con cháu, em út phải biết vâng lời ba mẹ, anh chị. Người lớn thì bao dung, vị tha với trẻ con...

Những bài học đó, chúng tôi chưa từng được dạy dỗ một cách bài bản thành lời, nhưng được dạy rất nhiều từ cuộc sống hòa thuận của những người lớn hơn trong nhà.

Thỉnh thoảng, đó là những chuyện kể tưởng chừng vu vơ, có khi là lời nhắc nhở nhẹ nhàng, có khi lại là bí quyết để sống một đời sống yên bình, nhẹ nhõm. Tôi nhận ra đó là gia phong, nếp nhà.

Những thứ đó, tưởng chừng khá mơ hồ nhưng lại là khuôn mẫu ăn sâu trong tiềm thức. Chính nó giúp thành viên trong gia đình có nền tảng thật chắc để bám víu và giữ mình trước những cám dỗ ở đời.

325888749_864522084770751_3864324107156858613_n.jpg
Những đứa trẻ được dạy về nếp nhà ngay từ ấu thơ. Ảnh: X.H

Neo giữ để người vững vàng hơn

Không thể một sớm một chiều mà người ta có được gia phong hay nếp nhà đúng mực. Đó là điều được gầy dựng, chăm chút và gìn giữ từng ngày, từng chút một, từ đời này qua đời khác - như cái lề của trang giấy, hay cái khuôn để cho ra đời những sản phẩm đẹp.

Tôi còn nhớ ngày ông bà ngoại còn đủ đầy, tết thật sự như một ngày hội. Ông ngoại khởi xướng việc tu bổ mồ mả, chăm chút bàn thờ, dọn dẹp vườn tược, nhà cửa, đảm trách những việc nặng nhọc, khó khăn bên ngoài. Theo phụ giúp ông ngoại có ba tôi, cháu trai là tôi, những đứa em trai họ của tôi.

Bà ngoại đảm nhận việc bếp núc, các loại bánh mứt, các món ngon cho ngày tết. Phụ giúp bà ngoại là mẹ tôi và mấy dì, sau này có thêm các em gái con của dì. Cả nhà rộn ràng, thơm nức mùi bánh mứt.

Trưởng thành, tôi mới nghiệm ra đó là không khí tết, là mùi vị của tết.

Sau này, năm nào tôi cũng đưa con trai bươn bả về quê, tô lại bia, dọn lại cỏ, quét lại vôi, tu bổ khu mộ tổ tiên, ông bà là thói quen được kế thừa từ ông ngoại, từ ba tôi ngày trước. Nó như bổn phận không ai giao cho mình, chỉ là mình tự thấy ông ngoại, rồi ba ngày xưa làm, thì bây giờ mình làm thôi. Không làm thì thấy có lỗi.

Sau này, tôi cũng mới biết rằng, khi phụ giúp bà ngoại, chính mẹ tôi, các dì, những thành viên nữ trong gia đình tôi học được từ bà những bài học nội trợ, bếp núc.

Đó là chuyện của ngày xưa. Thế hệ của tôi, của các con tôi bây giờ, khi lập gia đình, thường có khuynh hướng muốn ra riêng. Vì nhiều lý do khác nhau, chúng tôi không muốn, đôi khi không thể sống cùng ba mẹ già. Chỉ lâu lâu mới lũ lượt kéo về thăm, chớp nhoáng rồi vội vã ra đi.

Nên con cái đôi khi không biết ông bà họ hàng là ai, tình thân trong gia đình cũng nhợt nhạt. Kể cả kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử ngơ ngác khi ra ngoài cộng đồng. Mà cha mẹ lại không đủ thời gian dành cho con. Cái gọi là gia phong, là nếp nhà, đã phai nhạt đi ít nhiều.

Tách ra khỏi cái tổng thể gia đình lớn tam đại đồng đường, nếu may mắn hơn là tứ đại đồng đường, tách ra khỏi nếp nhà, gia phong nghiêm cẩn, niềm tin về sức mạnh tự thân ở mỗi con người dường như mong manh hơn. Người ta cũng sẽ hoang mang và cô độc hơn.
Nhưng, tôi tin rằng, chỉ cần có nếp nhà đó, con người sẽ mở cửa bước ra với đời, vững chãi…

ĐINH LÊ VŨ