Thế giới

Thế giới thừa rượu vang, người trồng nho thiệt hại

NAM VIỆT 10/03/2024 19:52

(QNO) - Nông dân tại Australia buộc phải phá hủy hàng chục triệu cây nho trong khi các quốc gia châu Âu chi hàng trăm triệu euro để tiêu hủy số lượng rượu vang thừa.

reuters.jpg
Nông dân Australia phá hủy vườn nho trong bối cảnh khủng hoảng dư thừa rượu vang, giá giảm mạnh. Ảnh: Reuters

Tony Townsend - một nông dân trồng nho tại Riverland thuộc vùng Nam Australia phá hủy một nửa vườn nho rộng 14ha của ông vào năm ngoái.

Dù cánh đồng nho phát triển tươi tốt, ông Tony Townsend ước tính có thể tốn khoảng 35 nghìn đô la Australia để thu hoạch chúng.

Ông Tony Townsend nói: "Tôi rất thích làm việc trong ngành rượu vang, nhưng việc tiếp tục theo cách này không khả thi về mặt kinh tế".

Tại Australia, nhiều nông dân đang phá hủy hàng triệu cây nho để hạn chế tình trạng sản xuất quá mức khiến giá nho sụt giảm, đe dọa sinh kế của người trồng nho và nhà sản xuất rượu vang.

Theo dữ liệu từ Cơ quan công nghiệp Wine Australia, ở những khu vực như Griffith, giá nho giảm xuống mức trung bình 304 đô la Australia mỗi tấn vào năm ngoái - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và giảm từ 659 đô la Australia vào năm 2020.

Ở Riverland, nhiều nông dân đang thay thế cây nho bằng các loại cây trồng khác như hạnh nhân hoặc dưa hấu.

Theo các số liệu gần đây nhất, Australia - nhà xuất khẩu rượu vang lớn thứ 5 thế giới có hơn 2 tỷ lít, tương đương sản lượng sản xuất khoảng 2 năm được lưu trữ vào giữa năm 2023, một số đang bị hư hỏng và các chủ sở hữu vội vàng vứt bỏ rượu bằng bất cứ giá nào.

Mới đây, nhiều quốc gia châu Âu tiến hành tiêu hủy lượng rượu vang dư thừa. Như Pháp chi 200 triệu euro để tiêu hủy khoảng 300 triệu lít rượu vang, hỗ trợ nông dân nhổ bỏ các vườn nho hoặc gửi rượu vang để chuyển đổi thành ethanol làm đồ uống có cồn.

Theo các chuyên gia, mặc dù sản lượng toàn cầu đạt mức thấp nhất trong 60 năm vào năm 2023, tình trạng dư thừa rượu vang vẫn tiếp diễn, nhu cầu thậm chí còn giảm nhanh hơn.

bkwine..jpg
Nhà máy sản xuất rượu vang tại Pháp. Ảnh: Bkwine

Thói quen tiêu dùng thay đổi, chi phí sinh hoạt cao trong khi những thiệt hại, khó khăn kinh tế từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lo lắng về sức khỏe, cung vượt cầu, tiêu thụ rượu vang giảm... khiến người trồng nho và ngành sản xuất rượu vang tại nhiều quốc gia điêu đứng.

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, vào năm 2023, mức tiêu thụ rượu vang giảm 7% ở Italy, 10% ở Tây Ban Nha, 15% ở Pháp, 22% ở Đức và 34% ở Bồ Đào Nha.

Ông Richard Halstead - Gám đốc điều hành về nghiên cứu thị trường tại Công ty Nghiên cứu đồ uống có cồn IWSR cho biết thêm, người tiêu dùng Gen Z (người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010) cũng tiêu thụ ít rượu hơn, thúc đẩy sự bùng nổ về đồ uống không cồn, góp phần tiêu thụ rượu vang giảm.

NAM VIỆT