Cơ hội nào thí điểm tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn?
Cuối tuần qua, tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN-MT) phối hợp tổ chức cuộc họp tham vấn “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và thành lập thí điểm tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”.
Một tổ chức lưu vực sông được trao quyền pháp lý đủ mạnh được nhìn nhận là mô hình lý tưởng để điều phối tối ưu quản lý tổng hợp tài nguyên nước Vu Gia - Thu Bồn, nhưng để hiện thực hóa câu chuyện này là điều không dễ dàng.
Cấp thiết
Quản lý tổng hợp theo lưu vực sông là xu hướng tất yếu. Điều này đã được đưa vào Luật Tài nguyên nước năm 2012 và bổ sung, củng cố trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi năm 2023 với sự điều chỉnh về thứ tự ưu tiên an ninh nguồn nước.
Ngoài ưu tiên hàng đầu cho cấp nước sinh hoạt thì sau đó sẽ ưu tiên giá trị kinh tế ngành và đảm bảo an sinh xã hội chứ không ưu tiên ngành nào hơn như trước đây.
Ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN-MT) cho biết, việc thành lập các Ủy ban lưu vực sông với trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, với sự tham gia của các ngành, địa phương, bộ ngành và hộ khai thác sử dụng nước lớn là cần thiết để giải quyết các thách thức nguồn nước.
Bộ TN-MT dự kiến xây dựng, ban hành nghị định hướng dẫn các quy định của Luật Tài nguyên nước, trong đó hướng dẫn quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban lưu vực sông, và các Tiểu ban lưu vực sông như ở sông Vu Gia - Thu Bồn mà Bộ TN-MT đang hướng tới triển khai thí điểm.
Ban điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng đã được hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập từ năm 2017. Đến nay, ban điều phối này cơ bản giúp hoạt động điều phối, chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các bên liên quan đến lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được hài hòa hơn.
Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: “Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn lâu nay đã có mô hình, có cách tổ chức nhưng vẫn gặp lúng túng trong vận hành ở các thời điểm thời tiết cực đoan, vì ở một số vấn đề quan trọng địa phương không có quyền hạn ra quyết định. Rất cần ủy ban đủ mạnh, có tính pháp lý cao được quyền quyết định để quản lý, vận hành lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh cho rằng, ban điều phối lâu nay giữa hai địa phương thực tế chỉ thực hiện một số nhiệm vụ mang tính chất chia sẻ. Còn để điều phối toàn diện lưu vực sông này như mô hình của một tổ chức lưu vực sông thì chưa thực hiện bao giờ. Do đó, tỉnh rất quan tâm và mong muốn sớm được thí điểm thành lập mô hình này.
Còn nhiều băn khoăn
Theo ông Châu Trần Vĩnh hiện ở nước ta chỉ có duy nhất Ủy ban lưu vực sông Mê Kông Việt Nam vận hành theo mô hình sẵn có, lồng ghép đưa vào các nội dung hoạt động như một ủy ban độc lập trong nước, có bộ máy chuyên trách, văn phòng giúp việc chuyên biệt để phục vụ ủy ban.
“Đến nay, việc chưa thành lập được các ủy ban lưu vực sông khác vì liên quan đến thể chế hành chính, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Mặc dù chúng ta nhìn thấy tổ chức lưu vực sông là mô hình tốt, tuy nhiên yêu cầu hiện nay là không phình bộ máy, không tăng biên chế nên Bộ TN-MT gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hình thành các tổ chức lưu vực sông” - ông Vĩnh chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh, nếu thực hiện như các mô hình của Pháp hay một số nước chỉ đơn giản là một công ty đứng ra quản lý tất cả lưu vực sông và được quyền ra quyết định, được thu tiền phục vụ hoạt động của đơn vị thì rất đơn giản không cần tính toán nhiều.
Còn ở nước ta, nếu áp dụng thí điểm thì thành phần kiêm nhiệm tham gia ủy ban tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ có những cơ quan nào? Liệu có sự tham gia của tất cả cơ quan Nhà nước có liên quan trực tiếp và các đơn vị sử dụng nước. Ngoài ra, liệu có đại diện của cộng đồng tham gia hay không?
“Trong quá trình vận hành ủy ban này có vai trò ra sao, quan hệ phối hợp thế nào với chính quyền địa phương? Việc nào phải lấy ý kiến chính quyền địa phương, các bộ ngành trung ương, trong khi có một số trường hợp cấp thiết phải ra quyết định ngay? Cần phải làm rõ các vấn đề này trước khi thí điểm nếu không sẽ dễ khiến các địa phương rối hơn trong quá trình thực thi” - ông Lê Trí Thanh đặt nhiều băn khoăn.
Ngoài ra, các đại biểu địa phương tham dự cuộc tham vấn cũng đề cập cần làm rõ cơ quan chuyên trách giúp việc sẽ nằm ở đâu? Ai sẽ tham gia thành phần này? Doanh nghiệp có thể tham gia và đưa ra các quyết định mang tính quản lý nhà nước được không?
Cơ quan đó trực thuộc ai, nằm trong hệ thống tổ chức nào trong khi các quyết định đưa ra của cơ quan chuyên trách lại rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Nếu thành phần của cơ quan chỉ mang tính chất các đơn vị cử thành viên tham gia như lâu nay thì lại không quyết định gì được.
Ông Châu Trần Vĩnh nói, các ý kiến tại cuộc tham vấn rất giá trị và giúp Cục Quản lý Tài nguyên nước có thêm cơ sở, động lực để tiếp tục thúc đẩy vấn đề này với các bộ, ngành liên quan nhằm đưa ra mô hình phù hợp nhất để thí điểm và có lộ trình sau khi vận hành tốt sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Chắc chắn việc này làm sẽ rất khó nhưng là câu chuyện phải sớm thúc đẩy vì đây là mô hình hiệu quả để quản lý tối ưu tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.