Động lực từ đô thị vùng Đông Quảng Nam - Bài 1: Từ vùng cát đến… vùng trọng điểm
Vùng Đông Quảng Nam đang từng ngày chuyển mình với khát vọng trở thành chuỗi đô thị đẳng cấp và có bản sắc. Phía trước vẫn là hành trình dài để biến mục tiêu thành hiện thực.
BÀI 1: TỪ VÙNG CÁT ĐẾN… VÙNG TRỌNG ĐIỂM
Cát thôi nóng chân người. Tuyến đường lớn liền một dải từ Điện Dương, Điện Ngọc (Điện Bàn) đi qua Hội An thông vào đến Núi Thành gieo xuống xứ cát nhiều hy vọng. Duy Hải, Duy Nghĩa, Bình Minh, Tam Giang... những miền đất từng lặng yên bên mép sóng thức giấc với một bình minh khác: Bình minh của nhịp sống thị thành.
Từ “trang giấy trắng”
Ở tuổi gần 90, ông Nguyễn Tấn Quý (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) trở thành một trong những chứng nhân của vùng đất. Từ lúc rục rịch thông tin sẽ bắc cầu nối hai bờ Cửa Đại, cũng đã có những bán tín bán nghi.
Cây cầu không chỉ là giấc mơ của người dân bên kia sông ngày ngày lụy đò dọc lên phố, mà còn chở theo ước mơ của bao người. Có cầu, họ hẳn nhẹ bớt gánh mưu sinh bởi chuyện lúa khoai hai mùa, chuyện mớ cá con tôm phải trầy trật từng ngày chạy chợ.
Cuối tháng 3/2016, cầu lớn nối đôi bờ. Có cầu, đường sá cũng theo đó mà thênh thang. Cầu nối hai bờ vui và mở cánh cửa cho cuộc đổi đời của con dân xứ cát.
Người bên này Duy Hải, Duy Nghĩa có thể ngày hai bữa đi về qua bên kia phố, vào các khu du lịch, các cơ sở dịch vụ. Họ lên phố, với nhiều lựa chọn công việc có thu nhập cao hơn, bớt vất vả hơn.
“Rõ ràng đời sống đi lên chứ. Qua cầu là đến phố. Hàng hóa cũng có giá hơn, mà bà con cũng nhiều việc làm hơn để chọn. Đỡ nhất là khoản lụy đò. Có cầu, bên này cũng rộn ràng theo bên kia phố.
Quê xứ chuyển mình, mừng nhất là cho sắp trẻ. Ngay tại quê nhà, giờ đây chúng đã tiếp cận được gần như mọi tiện ích cơ bản cuộc sống chứ không còn là khao khát xa xăm như thế hệ chúng tôi” - ông Quý nói.
Đến năm 2030, Quảng Nam dự kiến có 25 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%. Trong đó, tại vùng Đông, TP.Hội An phấn đấu nâng lên đô thị loại II, thị xã Điện Bàn nâng lên đô thị loại III, xây dựng thị trấn Duy Nghĩa - Duy Hải, thị trấn Bình Minh.
Cuối tháng 3/2022, đường ven biển Võ Chí Công thông toàn tuyến. Đầu năm 2024, dự án thành phần 1 hoàn thiện đường Võ Chí Công với chiều dài 26,5km đi qua xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) và nhiều xã, thị trấn của huyện Núi Thành cũng đã khởi động.
Từ một “trang giấy trắng”, theo thời gian bức tranh đô thị vùng đông đang dần có thêm những nét chấm phá đáng chờ đợi…
“Gánh vác” trọng trách đô thị hóa
Theo quy hoạch tỉnh, đến năm 2025 tất cả đô thị lớn, trọng điểm (từ loại IV trở lên) vẫn nằm toàn bộ ở vùng Đông Quảng Nam.
Phần lớn diện tích lãnh thổ của 2 cụm động lực được xác định trong quy hoạch tỉnh cũng đều thuộc chuỗi đô thị phía đông gồm: Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc và Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành.
Hiện TP.Hội An, TP.Tam Kỳ có cơ sở hạ tầng và kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, với tỷ lệ đô thị hóa của 2 địa phương khoảng 75%. Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa vùng Đông sẽ đạt gần 40% và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 45%.
Nếu hoàn thành các chỉ tiêu này, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh sẽ tăng lên 37% vào năm 2025 và hơn 40% vào năm 2030 để dần bắt kịp bình quân chung của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Có thể nói vùng Đông là khu vực sẽ “gánh vác” trọng trách tăng tốc đô thị hóa của tỉnh.
Nếu phát triển đúng kế hoạch, ở thời điểm 2030, đô thị hóa khu vực này sẽ có rất nhiều điểm nhấn nổi bật. Khi đó, vùng sẽ có 2 thành phố mới gồm TP.Tam Kỳ mới (trên cơ sở sáp nhập TP.Tam Kỳ hiện tại và huyện Núi Thành) và TP.Điện Bàn. Có 2 thị xã mới là Thăng Bình và Duy Xuyên cùng 2 đô thị mới là Duy Hải - Duy Nghĩa và Bình Minh.
“Có thể nhìn thấy được một số yếu tố động lực cho đô thị vùng Đông như phố cổ Hội An, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai... có thể là yếu tố chính để phát triển các mô hình đô thị di sản, đô thị sân bay trong thời đại mới.
Ngoài ra, quỹ đất phát triển còn nhiều là dư địa cho sự phát triển đô thị. Quảng Nam cũng đang đứng trước cơ hội xây dựng mô hình đô thị mới, tạo ra động lực phát triển mới” - ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin.
Đã có những phác thảo cho sắc màu đô thị, từ đồ án quy hoạch tỉnh sắp được công bố tới đây. Theo đó, các đô thị vùng Đông sẽ là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh.
Trong bức tranh chung, Tam Kỳ sẽ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo. Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa. Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó là chuỗi đô thị vệ tinh theo hướng đô thị xanh, đô thị sinh thái, gắn với cảnh quan, môi trường tự nhiên, đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh.
Giải pháp đường dài
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, trong đồ án quy hoạch mới, Quảng Nam cũng sẽ đặt mục tiêu xây dựng nhiều công viên, quảng trường, khu vui chơi... ở tại các khu vực có điều kiện, nhất là đô thị.
Hiện nay, nhiều khu đô thị đã bộc lộ thực trạng không chú ý đầu tư quy hoạch các nơi vui chơi giải trí, công viên, quảng trường, khu vực sinh hoạt cộng đồng... Do đó, Quảng Nam đã đưa vào đồ án quy hoạch nội dung này và sẽ hết sức quan tâm.
Ngoài ra, tỉnh cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư, xây dựng các cơ sở thi đấu có thể tổ chức các giải đấu quốc gia, quốc tế theo chuẩn Olympic, mở ra một hướng mới cho đô thị, phục vụ đa mục tiêu.
Thức giấc và vươn mình từ cát, hành trang bước vào công cuộc đô thị hóa của nhiều vùng đất phía đông thiếu thốn đủ bề.
Theo Sở Xây dựng, kết nối về giao thông chưa đồng bộ là yếu tố chính khiến cho mối quan hệ giữa các đô thị còn “lỏng lẻo”, khó hình thành được các cụm đô thị động lực để bổ trợ cùng phát triển.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa của Quảng Nam chỉ đạt khoảng 1,66%, thấp hơn rất nhiều so với bình diện cả nước.
Đánh giá sơ bộ của cơ quan chức năng cũng chỉ ra chỉ tiêu liên quan đến hạ tầng kỹ thuật khung từng đô thị trong vùng chỉ mới đạt được mức khoảng 60-80% theo loại đô thị hiện hữu.
Theo Sở Xây dựng, điều này có ảnh hưởng của việc đánh giá thực trạng, dự báo phát triển chưa tốt ảnh hưởng đến chất lượng, tính khả thi của quy hoạch, không phù hợp với thực tế phát triển đô thị.
Công tác thẩm định năng lực, lựa chọn chủ đầu tư một số dự án có lúc chưa chặt chẽ, nhiều dự án do năng lực tài chính nhà đầu tư hạn chế, cộng thêm vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dẫn đến dự án dở dang, kéo dài ảnh hưởng chung đến tiến trình phát triển đô thị.
Về phía các địa phương, trong khi TP.Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn vẫn đang tốc lực điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch phân khu thì TP.Hội An hay Duy Xuyên, Thăng Bình vẫn chờ được phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố, quy hoạch chung đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa, đô thị mới Bình Minh thì mới có thể tính toán các bước tiếp theo…