Quảng Nam xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng hiện đại
“Có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại” là một trong những mục tiêu Quảng Nam phấn đấu đạt được đến năm 2030, trong hành trình trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo đó, về kết cấu hạ tầng, Quảng Nam đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F. Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.
Tất cả trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch; có hơn 60% trục đường chính trong các đô thị được đầu tư hoàn chỉnh.
Giao thông đường thủy nội địa thông suốt đúng chuẩn tắc luồng, đặc biệt là các tuyến đường thủy nội địa trên các sông Trường Giang, Cổ Cò, Thu Bồn, Vĩnh Điện.
Đến năm 2030, tất cả đường trục chính tại các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được nâng cấp, mở rộng theo chuẩn đô thị tương ứng. Nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường huyện, xã; cứng hóa và mở rộng theo tiêu chuẩn nông thôn mới 100% đường thôn.
Kiên cố hóa 80% kênh mương các loại và công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Mọi hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá, Quảng Nam đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng trọng yếu của khu vực nông thôn, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục.
Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên với hệ thống giao thông đồng bộ; liên kết vùng và quốc tế thông suốt; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét, hạ tầng nông nghiệp phát triển bền vững.
Tỉnh nâng cao chất lượng đô thị hóa ở cả các đô thị hiện hữu và đô thị mới; từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; phát triển mạnh TP.Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh...