Văn hóa

Ngóng... nhánh khói bình an

LÊ VĂN CHƯƠNG 11/03/2024 10:28

(VHQN) - Mắt ghe mở ra, là hướng con thuyền đi tới nơi nhiều tôm cá và trở về lại theo hướng bình an...

ngu-dan-quang-nam-quang-ngai-va-binh-dinh-co-cach-ve-mat-tren-ghe-giong-nhau.-trong-qua-khu-ngu-dan-o-tam-thanh-phai-chong-chong-mat-de-quan-sat-mo.jpg
Ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có cách vẽ mắt trên ghe giống nhau. Trong quá khứ, ngư dân ở Tam Thanh phải chong chong mắt để quan sát mỗi khi trở về.

Với riêng ngư dân Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), mỗi khi đi biển về, chiếc ghe lấp lửng ngoài sóng và người trên ghe chong mắt tìm tia khói ngoằn ngoèo bay lên, như một báo hiệu “chừ vô bờ được rồi, trong này đã an yên”...

Mắt thời... loạn ly

“Cái kiếp sinh ra ở giữa vời/Quản bao, vào lộng lại ra khơi/Tha hồ dông tố liều theo nước/Nào kể công lao cốt với người…” - các cụ già ở làng chài Tam Thanh vẫn thường nhắc lại mấy câu trong bài “Cái thuyền” từng được cụ Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân.

Ở Tam Thanh, những người thợ đóng ghe thường đốn cây mù u mọc khắp xóm để làm giang, đà. Lúc xong ghe và ngồi vẽ mắt, có người cũng ngâm nga vài câu thơ.

Lão ngư Trần Văn Tầm (71 tuổi) có chất giọng sang sảng của cư dân làng chài. Trên bãi biển Tam Thanh một ngày đầu xuân mới, chúng tôi nghe ông nhắc lại chuyện thời loạn ly của bà con làng chài xứ này. Ông nói, dân chài Tam Thanh cũng từng có nghề đuốc sậy, đã trải qua chừng trăm năm.

Đàn bà chạy chợ sang bên kia sông Trường Giang và mua về các bó sậy được buộc chặt. Mỗi bó dài như mái chèo, gác ngang ghe rồi mở biển.

Trên biển, sậy được làm thành đuốc để đốt lên, dùng ánh sáng để thu hút cá. Trên bờ, đàn bà xứ biển dùng đốt lửa báo tin cho chồng, con trở về với ánh mắt ngóng chừng.

dd.jpg
Lão ngư dân Trần Văn Tầm có khuôn mặt in hằn đường nét của tuổi tác và cuộc đời từng trải.

Ông Tầm kể, trước năm 1975, lượng cá ở Tam Thanh dày tới mức chỉ cần đốt đuốc lên là cá ào vô và bủa lưới thì xúc được cả tạ. Đầu năm thì cá cơm, cá trích, giữa năm thì cá thu, cá ngừ.

Từ câu chuyện ngư dân mô tả làng biển Tam Thanh thuở xưa, chúng tôi hình dung đến vùng biển có rạn san hô rực rỡ ở Cù Lao Xanh - Bình Định. Cứ tới mùa thì cá từ ngoài khơi kéo vô bờ. Ngư dân chỉ cần quây lưới đăng, cá tự bơi vô, nên bà con gọi là lộc biển.

Nhưng người làng biển lúc đó lại lo thon thót mỗi khi cho thuyền từ ngoài biển trở về. Các bà vợ thường ra ngoài bờ biển canh chừng và báo hiệu bằng một bó đuốc, hoặc đống lửa.

Chiếc ghe chỉ bơi chừng chừng tới gần bờ. Trong bờ cũng đoán chừng chừng ghe vô để báo tin. Nếu không thấy bọn lính xuống làng thì un đống lửa để báo hiệu. Các ngư dân đang chèo chống ở ngoài biển thì bảo nhau, “chừ có nhánh khói, mau lẹ vô bờ”.

Đôi mắt… Réhahn

Trước những đôi mắt người làng biển, tôi chợt nhớ đến bức ảnh nổi tiếng thế giới của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn với chân dung cụ bà Nguyễn Thị Xoong ở Hội An. Ấn tượng để lại trên tấm ảnh này là đôi mắt biết cười và đường nét của một kiếp người trôi qua những năm tháng gian truân.

mot-chiec-ghe-ra-bien-danh-ca-giua-khung-canh-yen-binh.-anh-van-chuong.jpg
Một chiếc ghe ra biển đánh cá giữa khung cảnh yên bình. Ảnh: Văn Chương

Ở làng chài Tam Thanh, có rất nhiều chân dung tương tự. Là bà Nguyễn Thị Nhuế (87 tuổi) hay ông Trần Văn Tầm. Hai con người này đều có ánh mắt khắc khoải khi nhắc chuyện quá khứ. Nhưng rồi ánh mắt ấy lại sáng bừng cùng nụ cười khi nhắc tới một mùa xuân yên bình.

Những cặp mắt ghe ở Tam Thanh thường được thợ nề vẽ. Từ chuyện kể vẽ mắt cho ghe, các lão ngư ở làng chài Tam Thanh lại xoay sang câu chuyện làng biển thời loạn và bây giờ.

“Chừ quá sướng, quá đủ, không gì bằng nữa rồi” – ông Tầm nói chậm rãi, âm giọng phát ra từ sâu trong lồng ngực, ánh mắt biết cười như tấm chân dung của Réhahn.

Tôi bám riết theo câu chuyện của ông Tầm vì ông kể chuyện xưa quá hay và nhiều chi tiết khái quát. Chợt nhớ có lần ở bờ biển Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), tôi gặp ông Nguyễn Văn An, cũng bằng tuổi ông Tầm và đang vẽ mắt thuyền. Ông An cũng lái câu chuyện mắt ghe sang mắt người theo dòng thời cuộc, rồi nói về xuân nay.

Làng biển Tam Thanh bây giờ trở thành làng bích họa nổi tiếng. Nhưng mấy người biết, trong quá khứ, làng vốn chỉ là một doi cát rất hẹp nằm giữa một bên là biển, bên kia là sông Trường Giang. Cứ có giặc đi càn là không biết trốn nơi nào. Một số người đàn bà gồng gánh chạy sang xã Bình Hải, Bình Minh, một số khác chèo thuyền ra biển đánh cá.

Buổi chiều xuân mới, các bậc cao niên ở làng chài Tam Thanh nói rằng, Giáp Thìn theo thiên can địa chi mang mệnh Phú Đăng Hỏa - tức biểu tượng ngọn đèn dầu.

Thời trước, ra biển nhìn chong chong vào xóm làng là một màu đen kịt. Rất đáng sợ! Không hiểu tai họa gì đang rình rập. Còn bây chừ thì trong bờ hay ngoài biển đều rực sáng ánh đèn. Đèn đêm như trăm ngàn đôi mắt thao thức cùng biển xuân...

LÊ VĂN CHƯƠNG