Quy hoạch - Đầu tư

Quảng Nam tạo "đòn bẩy" phát triển từ hạ tầng đường bộ

CÔNG TÚ 11/03/2024 09:24

Hệ thống đường bộ chiến lược trên địa bàn Quảng Nam đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển, nhưng để tạo “đòn bẩy” cho sự bứt phá, cần tiếp tục đầu tư theo quy hoạch, nhất là các trục Đông - Tây.

vo-chi-cong.jpg
Đường Võ Chí Công, đoạn Hội An - Tam Kỳ đã đầu tư hoàn chỉnh mặt cắt theo quy hoạch. Ảnh: HỒ QUÂN

Kết nối liên hoàn

Cầu Cửa Đại hoàn thành năm 2016 đánh dấu cột mốc quan trọng trong kết nối giao thông: nối liền đôi bờ sông Thu Bồn, một cung đường chiến lược ven biển sau nhiều năm đầu tư dần thành hình và nay liên thông từ Hội An đến giáp đường vào Cảng hành không Chu Lai (Núi Thành).

Trục dọc với tuyến ĐT619 (đường Võ Chí Công), thuộc đường bộ ven biển Việt Nam đang tiếp tục mở rộng theo quy hoạch thêm một phần đường, đoạn giáp quốc lộ (QL) 40B tại Tam Kỳ vào Núi Thành.

Ở miền núi phía tây, trục dọc đường Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng, kết nối thông suốt từ Thừa Thiên Huế, qua các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn lên các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài liên kết vùng, công trình vừa nêu còn mang ý nghĩa chiến lược về an ninh - quốc phòng khu vực biên giới.

Khoảng 10 năm trở lại đây, hạ tầng giao thông chiến lược của Quảng Nam đã “lột xác” hoàn toàn sau khi có thêm 2 trục dọc Bắc - Nam đầu tư hoàn thành, đó là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường Trường Sơn Đông.

Các dự án đầu tư BOT được triển khai, QL1 mở rộng lên ít nhất 4 làn xe đã cơ bản giải quyết tình trạng ùn tắc, kết nối liên hoàn với nhiều trục ngang khác.

14e.1.jpg
Nhà thầu triển khai thi công tuyến tránh Việt An, thuộc dự án cải tạo, nâng cấp QL14E. ẢNH: TÚ -QUÂN

Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Trần Ngọc Thanh cho biết, thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về cân đối nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến QL14D, vừa qua Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương rà soát, cập nhật hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Ban chủ động làm việc với các cơ quan và địa phương để thống nhất về hướng tuyến, quy mô, công trình trên tuyến và các vấn đề có liên quan để có thể triển khai ngay khi cân đối bố trí được vốn. Trên cơ sở kết quả làm việc, hoàn thiện thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo quy định, sớm trình Bộ GTVT xem xét.

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT cho biết, Quảng Nam có 1 tuyến cao tốc và 10 tuyến QL với tổng chiều dài 968,6km. Trong đó, 5 trục dọc Bắc - Nam cơ bản đã đạt quy mô quy hoạch.

Ngược lại, các tuyến trục ngang gồm QL14B (Đà Nẵng - Quảng Nam), QL14D (Nam Giang), QL14G (Đà Nẵng - Quảng Nam), QL14H (Hội An - Nông Sơn), QL14E (Thăng Bình - Phước Sơn), QL40B (Quảng Nam - Kon Tum) và QL24C (Quảng Ngãi - Quảng Nam) tuy đã kết nối liên thông, song hầu hết chưa đạt quy mô quy hoạch.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng 2 cầu thuộc QL40B (cầu Nước Oa, cầu Sông Trường), mở rộng cầu Tam Kỳ và đoạn đường dẫn phía nam thuộc QL1; cải tạo, nâng cấp QL14E.

Nhìn lại hệ thống đường tỉnh (ĐT), Quảng Nam có 26 tuyến có tổng chiều dài 576km; trong đó 352km phù hợp với nhu cầu khai thác, còn lại 181km chưa đạt quy mô quy hoạch.

cau-van-ly.3(1).jpg
Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn (nối Điện Bàn với Đại Lộc) đang triển khai thi công. Ảnh: TÚ QUÂN

Nhiều đoạn tuyến liên kết đã quy hoạch nhưng chưa được đầu tư, nên không đảm bảo tính đồng bộ, mức độ kết nối thấp. Huy động các nguồn lực, tỉnh đã nâng cấp, mở rộng một số tuyến trục dọc như ĐT619, ĐT607 hay trục ngang ĐT608, ĐT609.

Tiếp tục đầu tư

Quảng Nam nỗ lực huy động tối đa nguồn tài chính để khai thông điểm nghẽn hạ tầng giao thông chiến lược Đông - Tây. Điển hình với QL40B, đoạn tuyến từ Tam Kỳ lên huyện Tiên Phước đã mở rộng hoàn thành.

Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam đang triển khai trên thực địa qua các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My.

Dự án này có đoạn đi trùng với QL40B, từ huyện Tiên Phước lên thị trấn Trà My (Bắc Trà My) cũng sẽ mở rộng. Khi hoàn thành, công trình sẽ kết nối từ đường thanh niên ven biển (nay là ĐT613B) tại Thăng Bình thông suốt đến Bắc Trà My.

Tại phía bắc, đường nối từ QL14H đến ĐT609C (cầu Sông Thu vượt sông Thu Bồn); đường nối từ ĐT609C đến QL14B (cầu An Bình vượt sông Vu Gia); cầu Văn Ly và đường dẫn (cầu Văn Ly vượt sông Thu Bồn) đang tăng tốc thi công.

song-thu-1.jpg
Cầu Sông Thu khi hoàn thành sẽ "bắc cầu" thông suốt từ Thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đến khu du lịch Bằng Am (Đại Lộc). Ảnh: CÔNG TÚ

Những công trình chiến lược này sẽ giải quyết được bài toán mất an toàn đi đò ngang mùa mưa bão; không chỉ kết nối liên hoàn mà còn thông suốt, an toàn giữa các trục ngang - dọc, thúc đẩy liên kết vùng.

Điển hình, đường nối từ QL14H đến ĐT609C và đường nối từ ĐT609C đến QL14B khi hoàn thành sẽ tạo nên một trục ngang thông suốt QL14H với QL14B (Duy Xuyên - Đại Lộc).

“Cùng với ĐT609 kết nối Đông Giang, những công trình nêu trên là điều kiện thuận lợi để huyện thu hút đầu tư công nghiệp; đặc biệt là phát triển thương mại dịch vụ, du lịch” - ông Lê Đỗ Tuấn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc chia sẻ.

Như đã nêu, phần lớn các trục giao thông chính đã được đầu tư một phần nhưng tính đồng bộ chưa cao. Đơn cử, QL1 còn một số đoạn chỉ có 2 làn xe; một số đoạn có 4 làn xe song không có làn dành riêng cho xe máy; nhiều nút giao cắt nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Các trục ngang QL tồn tại nhiều vấn đề. Chẳng hạn, QL14H còn nhiều cầu yếu, đường chật hẹp. QL40B đoạn qua Nam Trà My có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường xuống cấp.

Đầu tư xây dựng từ năm 2004, đến nay QL14G và QL14D chưa được nâng cấp, cải tạo nên có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường hẹp (rộng 3,5 đến 5,5m) và láng nhựa thường xuyên hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu vận tải.

Để dần tháo điểm nghẽn và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục làm việc với Trung ương kiến nghị quan tâm, bố trí nguồn vốn và chỉ đạo nghiên cứu đầu tư các công trình đường bộ trong giai đoạn 2026 - 2030 như mở rộng QL14D, QL14G.

Đối với công trình do tỉnh quản lý, ngành đề xuất ưu tiên hệ thống ĐT, đặc biệt là nâng cấp các tuyến hiện có kết nối cao nhưng quy mô nhỏ, không đáp ứng yêu cầu lưu thông, gồm ĐT607B, ĐT614, ĐT615, ĐT615B, ĐT617B...

CÔNG TÚ