Quy hoạch - Đầu tư

‏Quảng Nam định hướng phát triển hai khu kinh tế trọng điểm của vùng và quốc gia ‏

NGUYỄN THANH BÌNH 12/03/2024 07:00

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển hai Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang trở thành hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng và cả nước.‏

tng_quan_cng_chu_lai_2.jpg
Toàn cảnh Cảng Chu Lai Trường Hải. Ảnh: T.B

Phát triển hai khu kinh tế trọng điểm

Theo quy hoạch, Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai là KKT ven biển, có diện tích 27.040ha, nằm tại các địa phương Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành.

KKT Cửa khẩu quốc tế Nam Giang có diện tích 34.160ha, định hướng mở rộng về phía đông, dọc theo tuyến quốc lộ 14D, quy mô mở rộng khoảng 3.100ha.

Tỉnh Quảng Nam thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phát triển KKT mở Chu Lai theo hướng KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng và cả nước.

Trong đó, đột phá chính là ngành cơ khí lắp ráp, chế tạo ô tô, điện khí và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, tự động hóa, điện tử và các sản phẩm sau khí quy mô quốc gia. Hình thành trung tâm chế biến dược liệu quốc gia, trung tâm công nghiệp silicat của khu vực miền Trung.

Năm 2024, Ban Quản lý các KKT và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu: thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI khoảng 200 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.300 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.700 triệu USD.

Khai thác tối đa công năng và năng lực của hệ thống cảng biển, sân bay. Phát triển các khu phi thuế quan gắn với cảng biển, sân bay là các trung tâm sản xuất, gia công, chế tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và các hoạt động thương mại, dịch vụ đặc thù. Hình thành các đô thị mới hiện đại, sinh thái, các khu du lịch cao cấp.

KKT Cửa khẩu quốc tế Nam Giang là KKT logistics, cửa ngõ quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết nối với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến đường bộ hành lang kinh tế Đông - Tây.

Xây dựng cảng cạn gắn với hệ thống cảng biển Quảng Nam, Đà Nẵng, Dung Quất; đẩy mạnh các hoạt động kho bãi, phân loại, đóng gói, trung chuyển… sử dụng lực lượng lao động tại chỗ là chủ yếu.

Những đột phá trong năm 2024

Ông Lê Vũ Thương - Trưởng ban Quản lý các KKT và khu công nghiệp tỉnh cho biết, năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Ban quản lý đã nỗ lực thu hút được 16 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 2.996 tỷ đồng (tương đương 127 triệu USD); trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký 58,58 triệu USD. Cấp điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 44 dự án; thực hiện chấm dứt hoạt động đối với 2 dự án.

Đã giải ngân 40,390 tỷ đồng (đạt 93% kế hoạch); giá trị xuất khẩu ước đạt 1.200 triệu USD (80% kế hoạch); giá trị nhập khẩu ước đạt 1.500 triệu USD (60% kế hoạch).

Trong năm 2024, Ban Quản lý các KKT và khu công nghiệp tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu UBND tỉnh sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy khóa XXII về Định hướng phát triển vùng Đông Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh thực hiện Thông báo 135/TB -VPCP ngày 6/5/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam.

Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh liên quan nội dung Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác cảng hàng không Chu Lai.

Làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc trong việc đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp, trước mắt là Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng và Khu công nghiệp Bắc Thăng Bình.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2024. Thực hiện công tác quản lý đầu tư đối với các dự án trên địa bàn.

Thường xuyên theo dõi, hỗ trợ cung cấp các thông tin và hướng dẫn các quy định, cơ chế chính sách để doanh nghiệp nắm bắt thực hiện.

Rà soát đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT mở Chu Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch 5 năm; đề xuất các nội dung của đồ án sau khi được phê duyệt.

Lập thủ tục thu hồi đất, giao đất trong KKT theo quy định Luật Đất đai; phân bổ kế hoạch sử dụng đất hằng năm trong KKT; rà soát tất cả hồ sơ liên quan về giao đất; giao lại đất, cho thuê đất; đề xuất phương án công tác quản lý đất đai theo quy định Luật Đất đai 2024 đạt hiệu quả.

Mặt khác, Ban phối hợp với chủ đầu tư các khu công nghiệp và UBND các huyện, thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường theo nhiệm vụ ủy quyền...

NGUYỄN THANH BÌNH