Quy hoạch - Đầu tư

Thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế ven biển

VĨNH LỘC 12/03/2024 08:33

Được xác định là không gian tập trung của các ngành công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ đô thị…, hành lang kinh tế ven biển phía bắc Quảng Nam kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra động lực thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

bi.jpg
Có bờ biển dài là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Nam phát triển du lịch. Ảnh: V.LỘC

Trung tâm du lịch, dịch vụ

Cuối tháng 4/2016, siêu dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, diện tích 985,6ha, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (thuộc 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên và xã Bình Dương thuộc huyện Thăng Bình) khởi công xây dựng giai đoạn 1.

Tiếp đến, cuối tháng 3/2017, Tập đoàn Vingroup khởi công xây dựng Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An (xã Bình Dương và Bình Minh, huyện Thăng Bình) quy mô diện tích 200ha, vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Sự xuất hiện 2 siêu dự án trên hành lang ven biển Quảng Nam đã trở thành điểm nhấn làm thay đổi bức tranh du lịch vùng Đông của tỉnh, đặc biệt tại huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, khởi đầu cho hàng loạt dự án ven biển Quảng Nam từ Điện Bàn đến Núi Thành triển khai đầu tư, xây dựng.

Theo quy hoạch tổng thể, vùng Đông Quảng Nam với trục xương sống hành lang ven biển sẽ là không gian phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, đô thị; trong đó chủ yếu tập trung phát triển các dự án du lịch, dịch vụ.

bi3.jpg
Hầu hết diện tích ven biển các địa phương khu vực Bắc Quảng Nam đã có dự án du lịch.Ảnh: V.L

Tại TP.Hội An, đã có 14 dự án du lịch ven biển được cấp phép đầu tư, tổng diện tích gần 160 ha. Hiệu quả từ các dự án mang lại nhìn chung khá tích cực, nhất là giải quyết việc làm, giải tỏa áp lực cho trung tâm phố cổ, đóng góp ngân sách nhà nước.

Tương tự, tại thị xã Điện Bàn, trong điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045 vừa được phê duyệt cuối năm 2023, trong số 10 phân khu được quy hoạch, khu vực phía đông và hành lang ven biển đã có 3 phân khu, gồm: Khu đô thị ven biển (diện tích hơn 1.225ha), chức năng chính là trung tâm du lịch biển và phát triển hoạt động thể dục - thể thao trên biển.

Phân khu này cũng được xác định là trung tâm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Quảng Nam trên các lĩnh vực văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, làng nghề truyền thống...

bi1.jpg
Du lịch biển Quảng Nam. Ảnh: V.LỘC

Tiếp đến phân khu Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc (diện tích gần 2.537ha), chức năng là khu trung tâm hành chính - văn hóa đô thị, trung tâm GD-ĐT, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp, các khu dân cư hiện trạng và quy hoạch mới, trung tâm thể dục - thể thao, công viên cây xanh đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch.

Phân khu khu đô thị Tây 607 (diện tích khoảng 1.623ha, có chức năng là khu đô thị thuộc đô thị Điện Bàn, phục vụ yêu cầu tái định cư dự án Làng Đại học Đà Nẵng…

Vùng kinh tế động lực

Trong quy hoạch tổng thể Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Riêng với các địa phương ven biển phía bắc của tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đô thị hóa ở các đô thị hiện hữu và đô thị mới.

Từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, góp phần tạo ra động lực thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng Đông của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Với chiều dài 125km, bờ biển Quảng Nam được đánh giá có vai trò, vị trí quan trọng để phát triển các loại hình kinh tế biển.

bi2.jpg
Vùng Đông Quảng Nam không chỉ phát triển các dự án thương mại du lịch mà còn phát triển các lĩnh vực công nghiệp, đô thị. Ảnh: V.L

Những năm qua, cùng với hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ven biển và các tuyến đường kết nối Đông - Tây đã góp phần đánh thức tiềm năng phát triển trên tuyến hành lang kinh tế ven biển khá tốt.

Nắm bắt cơ hội này, tại thị xã Điện Bàn, đến nay một số phân khu như Khu đô thị ven biển cũng đã bắt đầu triển khai thực hiện quy hoạch, riêng phân khu Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc cũng đã điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000…

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, với mục tiêu xây dựng và phát triển thị xã Điện Bàn đạt các tiêu chí của đô thị loại III vào năm 2030, việc hoàn thành hạ tầng đô thị, nhất là vùng Đông và không gian ven biển sẽ đóng vai trò quan trọng.

Hiện tại, bên cạnh tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đến địa bàn đô thị, Điện Bàn sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình quan trọng, thiết yếu như dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; thúc đẩy liên kết phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch theo hướng đa dạng, hiện đại.

Theo ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, để hiện thực các mục tiêu phát triển, yếu tố quan trọng chính là công tác quy hoạch. Chỉ khi các đề án quy hoạch được thông qua mới có thể kêu gọi, thu hút đầu tư.

“Trong chiến lược phát triển vùng Đông, bên cạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông, Duy Xuyên ưu tiên phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng đô thị, phấn đấu đến năm 2030 đưa Duy Hải, Duy Nghĩa trở thành đô thị loại 5.

Tuy nhiên, trước mắt vẫn phải chờ quy hoạch đô thị 1/5000 ở Duy Hải và Duy Nghĩa, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt mới có thể thu hút được nhà đầu tư” - ông Phúc nói.

VĨNH LỘC