Thấu hiểu để phát triển từ nền tảng truyền thống
(VHQN) - Chuyện nếp nhà, hay rộng hơn, là văn hóa truyền thống của vùng đất cần được giữ gìn, vun bồi ra sao để quãng đường đi tới của người xứ Quảng là cuộc nối dài những sôi nổi, bền chắc từ quá khứ?
Bên tách trà đầu xuân, những lời tâm huyết từ các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý của Hội An mở ra những chiều kích suy tư...
Họ là nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn An - người cả đời dành cho những nếp nhà phố Hội; nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đức Anh Sơn - người có nhiều hiến kế và bền bỉ với những quyết sách bảo tồn văn hóa; ông Phan Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.
LẮNG TỪ TRẦM TÍCH TRĂM NĂM
Ông Trần Văn An: Mắt cửa và giếng trời, với tôi là hồn cốt phố Hội. Những chi tiết vừa mang tính tâm linh, vừa mang giá trị kiến trúc, thẩm mỹ của nếp sống thị dân.
Cách đây vài năm, chúng tôi có tiến hành khảo sát thống kê hơn 50 mắt cửa thì phát hiện khoảng 19 loại/dáng mắt cửa. Đa số có dạng hình tròn, lục giác, bát giác hoặc cắt khắc thành 6, 8 cánh hoa cúc, một số ít có dạng hình vuông, hình 6 lá bồ đề ở giữa hình tròn… Ngoài ra, ở một số đền, miếu, hội quán mắt cửa có cách trang trí khác.
Ngoài mắt cửa thì mô típ kiến trúc được bắt gặp khá nhiều tại các ngôi nhà cổ Hội An chính là giếng trời. Đây là những khoảng sân không có mái che, ngăn cách 2 khối gian trong ngôi nhà ống dài, một dạng kiến trúc khá đặc trưng ở những ngôi nhà gỗ trong phố cổ Hội An.
Tại một số ngôi nhà, thông qua cách sắp đặt không gian giếng trời không chỉ thể hiện những nền nếp gia phong của chủ nhà mà còn tạo nên sự hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên.
Những chi tiết này là thành tố để làm nên văn hóa Hội An.
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn: Năm 2023, Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Trước đó, vào năm 2019, Hà Nội được công nhận trong lĩnh vực thiết kế. Điều này cho thấy các thành phố này đã lựa chọn thế mạnh đặc hữu của mình làm “vốn liếng” gia nhập mạng lưới của UNESCO.
Tuy nhiên, khác với Hà Nội và Đà Lạt, sự công nhận của mạng lưới các thành phố sáng tạo đối với Hội An là sự tôn vinh dành cho cộng đồng cư dân địa phương.
Bởi, chính họ làm nên các nghề thủ công và đời sống văn hóa tinh thần (nghệ thuật dân gian), thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong hàng thế kỷ qua.
Không phải người Hà Nội nào cũng có thể thiết kế, hay người Đà Lạt nào cũng có thể sáng tạo âm nhạc, nhưng người Hội An nào cũng có thể làm một trong gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi.
Cũng như, họ có thể tham gia diễn xướng dân gian (hô bài chòi, hò bả trạo, hát bộ, diễn tuồng…). Đó là những thứ do chính người dân tạo sinh và thực hành trong đời sống thường nhật.
HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN
Hội An cần làm gì để giữ vững vốn liếng cha ông tạo dựng trước những va đập đang ngày một mạnh hơn? Câu chuyện không chỉ phụ thuộc vào ý thức cộng đồng dân cư. Trên hết và quan trọng hơn hết, chính quyền cùng nhà quản lý sẽ phải vào cuộc để Hội An đi đúng con đường tiền nhân đã gởi trao...
Ông Phan Văn Quang - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An: Giảm thấp nhất việc can thiệp vào di tích là điều chúng tôi đang nỗ lực
Đầu tiên, phải khẳng định giếng trời chỉ xuất hiện trong những ngôi nhà ống dài phố cổ bởi nơi đây có những ngôi nhà có thể dài hơn 50m nên cần không gian để lấy ánh sáng và không khí. Các nhà cổ vùng ven thì không có giếng trời (trừ những ngôi nhà hiện đại).
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy chế về quản lý di sản, hạn chế việc người dân tự ý cơi nới, can thiệp vào các công trình kiến trúc nhà cổ.
Mọi cấu kiện kiến trúc trong ngôi nhà như mắt cửa hầu như không bị xâm phạm hay thay đổi nhiều. Một phần bởi người dân biết được những giá trị về thẩm mỹ và tâm linh mà mắt cửa mang lại cho ngôi nhà.
Tuy nhiên, ở không gian giếng trời không được như vậy. Xuất hiện nhiều trường hợp người dân cơi nới, che chắn tránh mưa nắng hoặc đơn thuần tận dụng thêm không gian để chứa hàng, nhất là những nhà làm nghề kinh doanh.
Dù việc che chắn này chỉ là phần rời, không tác động nhiều tới yếu tố gốc nhưng cũng đã ảnh hưởng đến chức năng, cảnh quan giếng trời nói riêng cũng như không gian tổng thể ngôi nhà nói chung.
Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra nhưng việc khắc phục không dễ dàng. Bởi người dân lý giải việc che chắn bằng bạt chỉ tạm thời, nhằm tránh mưa gió ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, nên mình cũng chỉ tuyên truyền vận động người dân hạn chế tác động không gian giếng trời chứ chưa xử lý nhằm tránh gây xung đột với cộng đồng trong bảo tồn di sản, bởi suy cho cùng việc che chắn tạm bợ tuy có ảnh hưởng đến di tích nhưng cũng không xâm phạm quá đến phần xây dựng của công trình ngôi nhà, trường hợp nào che chắn kiên cố như dựng khung sắt hoặc bê tông thì chúng tôi cương quyết cưỡng chế tháo dỡ.
Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Trần Đức Anh Sơn: Chính quyền Hội An cần có những chính sách và hành động mạnh mẽ để người dân được hưởng lợi nhiều hơn
Sản phẩm người dân Hội An trong các lĩnh vực đang được thế giới bên ngoài biết đến nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội để các ngành nghề thủ công truyền thống duy trì, mở rộng và phát triển sẽ lớn hơn.
Chính quyền địa phương sẽ phải đồng hành người dân trong việc quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Họ cũng phải tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn lực mới, công nghệ mới, tạo thêm không gian sáng tạo và thực hành nghề nghiệp.
Việc tổ chức các sự kiện tôn vinh, quảng bá, giao lưu hợp tác với các thành phố thành viên của mạng lưới Thành phố sáng tạo UNESCO sẽ là cơ hội giúp người dân tìm kiếm đối tác, mở ra cơ hội giao lưu và thúc đẩy sáng tạo mạnh mẽ.
Do vậy, địa phương cần có những chính sách và hành động nhằm phát triển các tổ chức xã hội, các nghiệp đoàn trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, trình diễn nghệ thuật, kích thích, phát huy sự sáng tạo của thợ thủ công, nghệ nhân, doanh nghiệp… Điều này vừa để tăng cường sinh kế cho người dân, vừa để nâng tầm và khẳng định những giá trị cốt lõi của đô thị cổ.