Quê hương trong dáng mẹ
(VHQN) - Bậc thềm cũ là nơi tôi luôn cảm thấy hạnh phúc nhất. Bởi ở đó có mẹ - người tôi yêu quý nhất ngồi đợi những đứa con xa trở về...
Dáng mẹ chờ con
Tôi về, bước đến sân, nhìn lên bậc thềm đã thấy mẹ đón đợi. Bà đứng lên, tóc mây dáng gầy luýnh quýnh nắm chặt tay tôi. “Tổ cha mi, răng tết nhứt mà bữa ni mới về”. Câu nói yêu thương của mẹ tôi nghe đến cả trăm lần mà vẫn muốn được nghe hoài nghe miết.
Tôi theo mẹ bước lên từng bậc thềm vào nhà. Khoảnh khắc đó, dường thời gian, không gian và vạn vật xung quanh đều ngưng đọng. Chúng đính vào tâm hồn tôi dấu ấn không thể phai mờ.
Bậc thềm nhà là hình ảnh quá quen thuộc với người dân xứ Quảng. Là vùng đất thường xuyên bị lụt lội nên nhà ai cũng phải làm trên nền đất thật cao. Để đi lên đi xuống vào nhà thì phải xây bậc thềm.
Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, vật liệu làm thềm cũng khác nhau. Nó có thể bằng đất, đá, bằng gạch, bằng xi măng. Mỗi ngôi nhà, mỗi bậc thềm đều chứa đựng những câu chuyện, những nỗi niềm riêng trong cuộc đời mỗi con người.
Những người Quảng rời quê đi đến đến xứ khác tìm kế mưu sinh, trong ngăn ký ức của họ chắc chắn không thể thiếu hình ảnh bậc thềm căn nhà cũ.
“Ngày rời đi, tôi đứng ngay bậc thềm cúi đầu chào từ biệt cha mẹ. Mẹ im lặng nắm tay tôi không chịu rời ra. Cha tôi dặn dò vô thành phố dù khó khăn đến mấy cũng phải ráng sống cho thật đường hoàng tử tế. “Nhớ mình là người xứ Quảng nghe con”, ông nói. Tôi xuống thềm, mẹ tôi mắt ướt nhìn theo”.
Có người Quảng nào trước khi xa nhà không đứng trước bậc thềm cúi đầu chào từ biệt cha mẹ, anh chị em? Bậc thềm cũng là nơi những người mẹ quê tiễn các con ra đi, rồi mỗi ngày mẹ lại ngồi bên bậc thềm đón đợi. Nó như một gạch nối giữa chia ly và hội ngộ, giữa quá khứ và hiện tại.
Tôi đã không khỏi bùi ngùi xúc động khi nghe chuyện đứa em hàng xóm vào Sài Gòn học đại học nhưng tranh thủ đi làm thêm, kiếm tiền gửi về quê xây lại cái bậc thềm để mẹ già bước đỡ trơn trợt. Thềm nhà trở thành nơi chứng kiến biết bao thăng trầm, thành bại của mỗi thành viên trong gia đình.
Về quê ăn tết, mỗi ngày tôi lại được nhìn mẹ bước lên xuống trên bậc thềm với đôi chân còn vững để ra vườn chăm rau hái quả. Tôi hạnh phúc vì biết mẹ còn khỏe.
Những năm trước, cứ mỗi lần gọi điện về, tôi hình dung mẹ đang ngồi bên thềm nói chuyện. Sau này có nền tảng gọi video thì những hình dung của tôi hoàn toàn đúng.
Mẹ vẫn ngồi bên bậc thềm cũ, dáng gầy hơn nhưng nụ cười và ánh mắt yêu thương vẫn y nguyên. Tôi trân trọng những khoảnh khắc này. Đó cũng là lúc tôi cảm thấy bình yên nhất.
Ngóng quê từ thềm nhà
Về quê, lại được ngồi trò chuyện cùng cha mẹ trên bậc thềm cũ. Ký ức lại hiện về, cũng nơi đó tôi được mẹ nắm tay tập những bước đi đầu tiên. Rồi lớn hơn, nơi đó tôi đã từng ngồi chờ đợi mẹ đi chợ về. Để rồi bây giờ, mẹ lại ngồi đợi tôi.
Ngồi bên bậc thềm nhà, tôi nghe âm vang của những trận bão lụt dữ dội ở miền Trung. Qua bao nhiêu năm tháng chịu đựng nắng mưa gió bụi, bậc thềm cũ nay đã nứt nẻ xám màu.
Lớp xi măng cũng đã mòn nhẵn đi bởi bước chân của bao thế hệ. Bậc thềm là nơi đầu tiên đón những cơn nước lụt từ thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn đổ về trước khi tràn vào nhà. Cứ nước lên bao nhiêu bậc là bấy nhiêu lo âu cho người dân xứ Quảng.
Cứ đến mùa mưa lụt là những người Quảng xa quê như tôi quay quắt dõi theo từng mức nước dâng lên trên các dòng sông quê xứ. Khi giọng phát thanh viên VTV thông báo “Trên sông Vu Gia, tại Ái Nghĩa mực nước trên báo động ba một mét”, khi đó cũng là lúc tôi biết bậc thềm nhà mình đã ngập nước hay chưa.
Thường khi mưa lũ, tôi điện về để hỏi thăm tình hình, cha tôi mang bậc thềm nhà ra để làm thước đo nước. Những thông báo ngắn gọn của ông đã giúp tôi hình dung rõ hơn mức độ của lụt. “Nước liếm tam cấp” có nghĩa là nước đã vô sân. “Nước đóng mái thềm” có nghĩa là nước sắp tràn vô nhà.
Nhưng rồi khi lũ lụt qua đi cũng là lúc mùa xuân sắp về. Những vết bùn non bám trên thềm nhà đã được dội sạch. Chiếc chiếu bông được cha tôi trải trên thềm để ngồi uống trà với các bác trong xóm. Khoảng sân nhà, giàn bầu của mẹ đã ra bông, vườn cà lại tím nụ, đám ngò đã tỏa.
Mẹ tôi lại đi chợ sớm bán rau vườn nhà. Ở nơi xa tôi lại hình dung mỗi chiều chiều mẹ ra ngồi trên bậc thềm cũ đón đợi tôi trở về…
Tôi đã trở về bước lên bậc thềm cũ, nhưng lần nào cũng vậy, ăn tết xong lại vội vã gói ghém hành trang trở lại thành phố.
Trong gói hành trang tôi mang vô thành phố, có đòn bánh tét, ổ bánh tổ mẹ làm, mấy ràng bánh tráng cùng chai dầu phụng ép từ đậu ruộng nhà trồng.
Tôi mang theo cả bậc thềm - nơi mẹ hằng ngày chờ con. Với tôi, dáng mẹ ngồi thềm đợi con là cả một trời quê hương. Tôi sẽ trở về...