Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E: Nút thắt mặt bằng cầu vượt đường sắt
(QNO) - Đại diện chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 14E kiến nghị địa phương sớm giải phóng mặt bằng để thi công cầu vượt đường sắt tại km15+815 (xã Bình Quý, Thăng Bình).
Sớm giải phóng mặt bằng
Dự án cải tạo, nâng cấp QL4E (đoạn km15+270 - km89+700) đi qua địa bàn các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn khởi công vào ngày 7/3/2023, do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 4 là đơn vị được giao quản lý dự án. Công trình có bề rộng nền đường 9m (mặt đường xe chạy rộng 7m; lề gia cố mỗi bên rộng 0,5m; lề đất mỗi bên 0,5m). Đoạn tuyến qua nút giao đường sắt Bắc - Nam có bề rộng nền đường 12m. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí hơn 1.848,2 tỷ đồng; tiến độ thực hiện giai đoạn năm 2021 - 2025.
Ông Quế Hải Trung - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 cho biết, cầu vượt đường sắt là một công trình trọng điểm của dự án, do thời gian thi công dài, phải làm xong đường gom trước để đảm bảo giao thông trước khi thi công cầu chính. Phạm vi chiếm dụng lớn và ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, vì vậy Cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án 4 kiến nghị ưu tiên sớm giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với vị trí này để triển khai thi công nhằm đảm bảo tiến độ chung của gói thầu.
Báo cáo với Ban Chỉ đạo bồi thường, GPMN các dự án trọng điểm tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh vào ngày 28/2/2024, Ban Quản lý dự án 4 tiếp tục kiến nghị UBND huyện Thăng Bình đặc biệt ưu tiên sớm GPMB phạm vi cầu vượt đường sắt.
[VIDEO] - Khu vực GPMB thi công cầu vượt đường sắt:
Huyện Thăng Bình cho biết, vị trí cầu vượt đường sắt có tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 63 thửa (63 hộ). Trong đó 38 thửa đã có văn bản đủ điều kiện bồi thường về đất; 5 thửa vướng tranh chấp và 20 thửa xã Bình Quý đang hoàn thiện hồ sơ để trình văn bản đủ điều kiện bồi thường. Hiện nay, huyện tập trung chỉ đạo GPMB để bàn giao cho Ban Quản lý dự án 4 xây dựng đường tránh trước khi thi công cầu. Thăng Bình sẽ phấn đấu bàn giao mặt bằng bên phải tuyến trước ngày 30/4/2024 và bên trái tuyến trước ngày 30/5/2024.
Để người dân đồng thuận
Lầm tưởng chúng tôi là công nhân kỹ thuật của nhà thầu, một vài người dân ở khu vực bị ảnh hưởng bởi công trình cầu vượt đường sắt liền đến “chất vấn” liệu có tiếp tục làm cầu vượt hay không? Ông Phan Thanh Dũng (trú thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý) phàn nàn rằng địa phương chưa tổ chức họp về việc làm cầu vượt đường sắt để thông báo chủ trương, giá cả bồi thường. Còn ông Phan Văn Thông (trú cùng thôn Quý Thạnh) thì “góp ý ngược” rằng nên mở rộng tuyến đường, không cần làm cầu vượt.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nội dung phản ánh của những hộ dân này là chưa chính xác bởi Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp - dịch vụ huyện Thăng Bình đã họp, gặp trao đổi với người dân nơi đây nhiều lần. Lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình từng mời người dân xã Bình Quý họp về dự án QL14E, trong đó có trao đổi nội dung liên quan GPMB thi công cầu vượt đường sắt.
Ngoài ra, UBND xã Bình Quý đã tiến hành phát phiếu khảo sát về việc tái định cư cho người dân. Trong báo cáo, Ban Quản lý dự án 4 cũng có nêu nội dung, địa phương đến nay đã kiểm kê xong 100%, tất cả các hộ dân đã thống nhất ký biên bản kiểm kê. Điều đó chứng tỏ, người dân nơi đây không ít thì nhiều nắm bắt được chủ trương di dời để thi công cầu vượt...
Song có thể thấy, chung quanh câu chuyện GPMB thi công cầu vượt đường sắt đang có ý kiến trái chiều. Đáng lo ngại khi không ít ý kiến của người dân “bàn ra” do chưa nắm bắt được lợi ích lâu dài của việc làm cầu vượt đường sắt. Cụ thể, hiện tại trên QL14E lưu lượng xe cộ lớn, nhất là ô tô tải do cách đó không xa là nút giao giữa QL14E với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chưa kể QL14E thông lên giáp đường Hồ Chí Minh.
[VIDEO] - Nút giao giữa đường sắt và QL14E có lưu lượng phương tiện đông đúc:
Theo ông Võ Tá Thanh - Giám đốc điều hành Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E (trực thuộc Ban Quản lý dự án 4), tiến độ thi công cầu vượt đường sắt chiếm 16 tháng. Theo hợp đồng ký kết, nhà thầu phải làm xong công trình này trong tháng 11/2024. Nhưng đến thời điểm này, chủ đầu tư chưa được bàn giao mặt bằng, rất cần huyện Thăng Bình tiếp tục quan tâm ưu tiên khai thông.
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, thiết nghĩ, trước hết công tác vận động tuyên truyền cần được tăng cường để người dân bị ảnh hưởng bởi dư án đả thông tư tưởng, nhất là hiểu được lợi ích lâu dài của việc xóa đường ngang trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.