Điện Bàn: Hiệu quả mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân
Vụ đông xuân này, Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ tại phường Điện Minh (Điện Bàn) quyết định nâng diện tích trồng giống lúa ST25 lên 9,5ha, tăng gần gấp 3 lần chỉ sau 2 năm triển khai.
Năm 2022, Hội Nông dân (HND) xã Điện Minh (nay là phường) chính thức tiếp nhận mô hình thí điểm sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ từ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam trên diện tích 3,2ha.
Nhằm thu hút hội viên, ngay từ đầu HND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.
Để sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ, thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp đã sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm với sự hỗ trợ về quy trình kỹ thuật từ công ty nhằm tăng cường phòng trừ sâu bệnh và hiệu quả cuối vụ.
Ông Phạm Tuấn (ở khối phố Tân Mỹ, phường Điện Minh, thành viên Tổ hội nghề nghiệp) nhìn nhận, phương pháp hữu cơ đã mang lại nhiều lợi ích, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Đặc biệt, thông qua mô hình không chỉ giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm gạo làm ra đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng mà giá trị sản phẩm cũng gia tăng.
Riêng vụ mùa vừa qua, giá thu mua lúa ST25 (đã sấy) được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân Quảng Nam bao tiêu là 11,5 nghìn đồng/kg.
Tính đến tháng 2/2024, Điện Bàn đã thành lập trên 50 chi, tổ hội nghề nghiệp với khoảng 500 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi…
Cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, HND thị xã đã tập trung ưu tiên các tổ hội nghề nghiệp được vay vốn từ các nguồn như Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như các chương trình, dự án khác.
Qua đó, giúp các chi, tổ hội nghề nghiệp không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, vận động thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, huy động nguồn vốn, lao động, tạo sự liên kết hợp tác giữa các bên liên quan, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như CLB Mai cảnh phường Điện Nam Trung, CLB Chăn nuôi bò Điện Thọ; dịch vụ nấu ăn thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ…
Theo ông Nguyễn Chánh Thiện - Chủ tịch HND thị xã Điện Bàn, qua thực tế, hầu hết chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, đặc biệt, tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức hội với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển.
“Mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, khắc phục được những hạn chế, làm chuyển biến nhận thức của hội viên nông dân từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn.
Đồng thời giúp tăng cường liên kết hợp tác, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất” - ông Thiện nói.